Trách nhiệm thuộc về ngành y
Cả nước có hơn 400.000 người mắc cúm, tại Hà Nội trong 2 tuần qua, bệnh nhi ùn ùn nhập viện do cúm mùa.
Chỉ tính riêng Bệnh viện Nhi T.Ư, trong tháng 11/2019, đã có gần 500 bệnh nhi phải nhập viện điều trị nội trú cúm, chưa kể số bệnh nhi cúm được kê đơn điều trị ngoại trú. Các bệnh viện từ Nam ra Bắc đều lâm vào tình trạng hết thuốc điều trị cúm Tamiflu phải "kêu cứu" Bộ Y tế.
Ngoài thị trường, thuốc Tamiflu lập tức được đẩy giá lên cao hơn gấp 4 - 5 lần so với giá thực. Nhiều gia đình phải chạy đôn chạy đáo đi khắp chợ thuốc ở Hà Nội mới mua được cho con vỉ Tamiflu với giá 2 triệu đồng, thậm chí nhiều nơi rao bán 3 – 4 triệu đồng/vỉ, trong khi cách đây 2 tháng, giá chỉ 500.000 đồng/vỉ.
Để ứng phó với tình hình này, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Công ty cổ phần Dược liệu T.Ư 2 "khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết nhập khẩu thuốc Tamiflu 75mg". Trong khi, nhiều chuyên gia dược cho rằng, quy trình sản xuất thuốc Tamiflu rất phức tạp. Do đó nếu có nhu cầu tăng đột biến, đơn vị cần thời gian làm việc với nhà sản xuất, không thể đề nghị nhập là có thể nhập ngay được.
Chưa kể, việc Cục Quản lý Dược ra công văn yêu cầu: “Trong trường hợp cơ sở nhập khẩu liên hệ được nguồn cung thuốc chứa oseltamivir (thành phần chính của thuốc Tamiflu) chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu, cơ sở nhập khẩu khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép. Cục sẽ xem xét, giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách". Yêu cầu này cũng khiến nhiều người lo ngại, rằng có thể nảy sinh nhiều hệ lụy trong việc thẩm định chất lượng thuốc, sử dụng thuốc kém chất lượng và đặc biệt là làm nảy sinh cơ chế "xin - cho" trong cấp phép kinh doanh, phân phối thuốc.
Có thể nói, tình trạng khan hiếm thuốc rơi vào đợt cao điểm bùng phát dịch cúm không phải xảy ra lần đầu bởi trước đây, không ít lần tình trạng thiếu thuốc, vaccine đã làm khuynh đảo thị trường. Còn nhớ, thời điểm này cách đây đúng 4 năm, bất chấp mưa phùn, gió bấc, rét buốt, hàng nghìn người dân vẫn nhẫn nại xếp hàng trắng đêm, chen nhau để mua được 1 liều vaccine “5 trong 1” Pentaxim tiêm phòng cho con.
Cảnh tượng hỗn loạn chưa từng thấy tại các điểm tiêm chủng, nhất là điểm tiêm ở đường Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân) khiến nhiều người ngất xỉu vì chen lấn phải đưa đi cấp cứu. Thương nhất là những đứa trẻ còn đỏ hỏn được bế trên tay trong cảnh tượng kinh hoàng này. Không dẹp được trật tự, cơ quan tổ chức buộc phải dừng tiêm chủng và cầu cứu công an vào cuộc.
Sẽ có hàng nghìn lí do biện minh cho việc thiếu hụt vaccine ngày ấy cũng như thuốc Tamiflu bây giờ. Nhưng trách nhiệm trước hết thuộc về ngành y tế, ngành không chỉ thiếu chủ động mà còn tắc trách và lúng túng khi giải quyết sự cố.
Ngoài ra, khâu quản lý giá thuốc cũng là câu chuyện nhức nhối nhiều năm nay, có liên quan tới nhiều vấn đề như đấu thầu thuốc cũng như quản lý trong việc bán thuốc cho người dân. Việc quản lý mua bán thuốc hiện nay quá lỏng lẻo, nhiều chuyên gia phải thốt lên, không có nước nào mua - bán thuốc dễ dàng như Việt Nam.
Bộ Y tế khẳng định, Tamiflu là thuốc kê đơn, khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng, dược sĩ phải bán theo đơn, nhưng đi bất cứ đâu khắp đất nước này, Tamiflu hay thuốc kháng sinh thuộc diện kê đơn, thì người dân đều có thể mua dễ dàng chẳng cần đến cái đơn thuốc kia.
Bao giờ công tác dự báo, quy hoạch, định hướng, quản lý chưa tốt, thì e rằng, tình trạng khan hiếm thuốc vẫn còn tiếp diễn, tạo cơ hội, kẽ hở để người ta trục lợi trên nỗi đau người bệnh. Và chuyện hỗn loạn thị trường thuốc sẽ còn tiếp diễn...
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trach-nhiem-thuoc-ve-nganh-y-361162.html