Trách nhiệm 'tròn khâu'
Từ khi giao cho chính quyền địa phương thực hiện 'tròn khâu' trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (gọi tắt là tuyển quân), các đơn vị nhận quân không phải cử cán bộ về địa phương để thâm nhập, thực hiện '3 gặp, 4 biết' nên có điều kiện tổ chức tốt việc bồi dưỡng cán bộ và làm công tác chuẩn bị huấn luyện...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thực hiện tuyển quân “tròn khâu”, cũng còn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập về chất lượng chính trị cũng như sức khỏe của công dân nhập ngũ, gây khó khăn cho đơn vị quản lý, huấn luyện. Cụ thể, năng lực sơ tuyển, khám tuyển của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyển quân ở địa phương còn hạn chế; việc đăng ký, quản lý nguồn công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ còn thiếu đồng bộ; có địa phương còn lúng túng trong thực hiện tuyển quân theo phương thức “tròn khâu”. Đặc biệt, hiện tượng cán bộ địa phương xin cho con, cháu hoãn nhập ngũ và áp lực về chỉ tiêu giao quân, nhất là ở khu vực đô thị, dẫn đến không ít trường hợp công dân chưa đạt yêu cầu về sức khỏe, văn hóa, tiêu chuẩn chính trị, nhưng địa phương vẫn đưa vào danh sách giao quân. Nhiều đơn vị nhận quân khi tiến hành phúc tra sức khỏe công dân nhập ngũ đã phát hiện các trường hợp không đủ tiêu chuẩn...
Để nâng cao chất lượng tuyển quân, bảo đảm tuyển người nào chắc người đó, hạn chế đến mức thấp nhất việc bù đổi thì trước hết cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các địa phương phải nâng cao trách nhiệm chính trị trong công tác tuyển quân với tinh thần thực sự công tâm, lấy chất lượng làm đầu; thường xuyên nắm chắc nguồn công dân trong diện gọi nhập ngũ của địa phương, không để sót, lọt đối tượng; chủ động tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác tuyển quân; chỉ đạo việc sơ tuyển, khám tuyển, xét duyệt chặt chẽ, bảo đảm thực sự dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, tuyệt đối tránh tiêu cực.
Thực tế cho thấy, cùng với tiêu chuẩn về chính trị, văn hóa thì sức khỏe của công dân nhập ngũ là yếu tố then chốt, quyết định thành công của công tác tuyển quân cũng như chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Vì quá trình sơ tuyển, khám tuyển của các địa phương chủ yếu thực hiện ở cấp độ khám lâm sàng, nên rất khó phát hiện ra những vấn đề phức tạp về bệnh lý, sức khỏe của công dân. Do đó, để giảm bớt chi phí, đồng thời bảo đảm kết quả khám tuyển được chính xác, các đơn vị nhận quân và địa phương giao quân cần có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện khám cận lâm sàng, trường hợp cần thiết có thể tiến hành khám chuyên sâu, bảo đảm không để lọt các trường hợp không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ.
Đặc biệt, cơ quan quân sự các cấp phải tập trung làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch công tác tuyển quân; trực tiếp quán triệt, triển khai và hướng dẫn, giúp đỡ cơ quan quân sự cấp dưới trong tổ chức thực hiện, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế; tổ chức tập huấn, phân rõ trách nhiệm cán bộ phụ trách từng địa bàn để nắm chắc chất lượng nguồn ngay từ thôn, xóm, trong các cơ quan, nhà trường, doanh nghiệp... Phát huy tốt vai trò và phân công thành viên hội đồng nghĩa vụ quân sự theo dõi từng địa bàn cụ thể, chịu trách nhiệm về chất lượng công tác tuyển quân ở khu vực mình đảm nhiệm, đặc biệt là giải trình rõ những trường hợp được tạm hoãn. Thành lập hội đồng khám sức khỏe với đầy đủ thành phần, phân công rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân tham gia khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, kết luận chính xác và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp ủy, chính quyền địa phương về kết quả thực hiện nhiệm vụ; nếu công dân không đủ tiêu chuẩn vẫn gọi nhập ngũ thì xử lý trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân liên quan. Có làm chặt chẽ, nghiêm túc thì tuyển quân "tròn khâu" mới thực sự hiệu quả.
NGUYỄN HỒNG SÁNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/trach-nhiem-tron-khau-752419