Trách nhiệm trồng rừng và ý thức giữ rừng

Những ngày này cả tỉnh đang sôi nổi Tết trồng cây. Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Quý Mão 2023 đời đời nhớ ơn Bác Hồ được UBND tỉnh tổ chức từ ngày 6 tết, các địa phương trong tỉnh sôi nổi hưởng ứng. Việc trồng cây gây rừng được các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tự giác với tinh thần thi đua phấn đấu vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Một số ngành, đoàn thể, doanh nghiệp lớn còn phát động các phong trào riêng, trồng cây mùa xuân gắn với nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm xã hội của ngành.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có thể nói, phong trào trồng cây, trồng rừng đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa bàn dân cư, trở thành phong trào sâu rộng. Qua những Tết trồng cây mùa xuân chúng ta đã xây dựng được văn hóa trồng cây ở các cộng đồng dân cư, đem đến niềm tin, hy vọng về những cánh rừng rộng lớn trong tương lai.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong khi rất nhiều cấp, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân thi đua trồng cây. Kinh phí đầu tư cho việc trồng rừng, giữ rừng rất lớn, thì tình trạng phá rừng, xâm hại cây xanh vẫn xảy ra ở không ít nơi. Cùng với đó là việc trồng cây chạy theo phong trào, diện tích rừng trồng mới dù lớn nhưng mới chỉ đảm bảo về số lượng, tỷ lệ cây sống, chất lượng sinh trưởng của rừng trồng mới ở một số nơi không cao.

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng các đồ gia dụng có nguồn gốc từ gỗ tự nhiên, xem đó như một thú chơi, sự chạy đua của một bộ phận người dân, đã khiến cho nhiều diện tích rừng bị chặt hạ. Để những cây thân gỗ trưởng thành, khép tán phải mất nhiều năm, trong khi hàng năm diện tích rừng bị mất lại tăng thêm một cách đầy xót xa. Ở nhiều nơi diện tích rừng trồng mới và rừng bị mất đang tỷ lệ nghịch. Mất rừng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, quốc phòng - an ninh, trong đó các trận lũ và sạt lở đất kinh hoàng xảy ra năm 2020 ở miền Trung và trước đó ở nhiều địa bàn khác là sự báo động về sự nổi giận của mẹ thiên nhiên trước ý thức thấp kém và sự thực dụng của con người.

Để những diện tích cây lâm nghiệp trồng mới thực sự bám rễ vào lòng đất, lớn lên thành đại ngàn, nguồn kinh phí mà chúng ta bỏ ra đầu tư cho việc trồng rừng, nhất là tâm huyết trồng rừng của nhiều người không bị lãng phí, bên cạnh văn hóa trồng cây cần phải xây dựng được văn hóa giữ rừng. Rừng lớn lên từ đất, nhưng rừng sống được bởi ý thức con người. Sau lễ phát động trồng cây, sau những con số về diện tích, số lượng cây được trồng mà chúng ta đã đạt được rất đáng hoan nghênh, mỗi địa phương và các cơ quan chức năng phải có biện pháp phù hợp, căn cơ, bền vững để chăm sóc, bảo vệ rừng trồng một cách hiệu quả, không vì thành tích mà chạy theo số lượng.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/trach-nhiem-trong-rung-va-y-thuc-giu-rung/26243.htm