Trách nhiệm và lời hứa trước dân
Thứ 2 (27/11), Quốc hội bước vào tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV. Trong tuần này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thể hiện trách nhiệm và thực hiện lời hứa trước dân.
Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng là quốc kế dân sinh
Trong tuần này, Quốc hội biểu quyết thông qua một số luật, đó là: Luật Căn cước; Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Các nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua, gồm: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu
Ngoài ra, Quốc hội thông qua: Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030"; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Trong tuần làm việc cuối, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Ngoài ra, Quốc hội thảo luận các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội, TP.Đà Nẵng và kết quả ba năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Trong nghị quyết của kỳ họp, Quốc hội sẽ quyết định việc giảm thuế giá trị gia tăng cho nửa đầu năm 2024, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8% như đang thực hiện hiện nay).
Việc quyết định giảm thuế hỗ trợ nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng được cử tri và người dân cả nước chờ đợi. Dù trong khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn quyết định hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Việc giảm thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, nhưng ý nghĩa hơn cả và cái được đó chính là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng, từ đó có nguồn thu về cho ngân sách.
Trách nhiệm và thực hiện lời hứa trước dân
Kỳ họp thứ 6 bước vào những ngày làm việc cuối với nhiều kỳ vọng mới. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn được người dân và cử tri cả nước quan tâm.
Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết và lời hứa trước cử tri.
Theo đó, phải làm việc trên tinh thần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình, chiến lược trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và các quy định của pháp luật.
Việc đổi mới hoạt động chất vấn, tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc, chậm được giải quyết khiến cử tri cả nước đánh giá cao. Truy trách nhiệm nửa nhiệm kỳ với hơn 70 vấn đề cần phải làm rõ trách nhiệm tại các phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 6.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, đã tổng hợp hơn 70 vấn đề còn tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa có sự chuyển biến theo yêu cầu của nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, có hơn 70 vấn đề của 21 lĩnh vực được điểm danh. Lĩnh vực nhiều nhất gồm 5 vấn đề, ít nhất thì chỉ có 1.
Tại các phiên chất vấn và trả lời báo chí, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Dù trong khó khăn, các cấp có thẩm quyền đã quyết định thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các chính sách được thực hiện liên tục, dài hơi trong 4 năm qua đã cho thấy trách nhiệm và lời hứa trước dân.
Liên quan đến thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách nhà nước, báo cáo tại Quốc hội, Chính phủ khẳng định, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Bên cạnh đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá phù hợp, sát thực tiễn, góp phần kiểm soát lạm phát. Thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Chính sách tài khóa đã được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Khẳng định trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Thành công trong điều hành chính sách tài khóa
"Chính sách tài khóa đã được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế"- báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội khẳng định.