Trách nhiệm, vì dân qua vai trò giám sát
Thực hiện vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, trước thềm kỳ họp thứ 11, Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều cuộc giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri mà các sở, ngành đã hứa tại kỳ họp thứ 8.
Trên lĩnh vực giao thông, vận tải, liên quan kiến nghị chất lượng công trình tuyến Đường tỉnh 933B, đồng chí Trần Quốc Thống - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng cho biết, hạng mục xây dựng nâng cấp tuyến giao thông Đường tỉnh 933B thuộc Tiểu dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng (Dự án ICRSL) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án 2 nhận ủy thác quản lý dự án. Hiện tại phần đất lề đường thuộc Đường tỉnh 933B thi công chưa hoàn thiện do thiếu đất đắp nên có một số vị trí cục bộ khi mưa xuống lề đường bị xói lở, Ban Quản lý Dự án 2 đã chỉ đạo đơn vị thi công tiến hành kiểm tra, rà soát khắc phục các đoạn lề bị xói lở và các đoạn có dấu hiệu bị xói lở khi mưa xuống. Ngoài ra, Ban Quản lý Dự án 2 đang phối hợp nhà thầu thi công tìm nguồn đất để hoàn thiện lề đường theo hồ sơ thiết kế, đảm bảo chất lượng công trình. Trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng công trình trong quá trình thi công, đảm bảo chất lượng theo hồ sơ thiết kế; đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thi công để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vận chuyển hàng hóa và đi lại.
Đối với kiến nghị sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Huyện 87B thuộc huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng); tuyến đường Tổng Cáng - Đại Nôn thuộc huyện Trần Đề (Sóc Trăng); Đường huyện 41, từ phường Khánh Hòa đến xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng được Sở Giao thông Vận tải chuyển đến UBND huyện Mỹ Tú, huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu xem xét, giải quyết.
Về lĩnh vực thương binh - xã hội, đồng chí Võ Kim Chuyền - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho biết, tại kỳ họp thứ 8 nhiều cử tri kiến nghị nâng mức trợ cấp bảo trợ xã hội. Theo đó, ngành chức năng cũng đã trả lời rằng, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 của Chính phủ, mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội đã được nâng từ 270.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng và bổ sung một số nhóm đối tượng yếu thế cần được hỗ trợ (thời gian thực hiện từ ngày 1/7/2021). Ngày 8/12/2021, HĐND tỉnh Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng và mở rộng thêm 12 nhóm đối tượng khó khăn đặc thù của tỉnh. Tuy mức trợ cấp bảo trợ xã hội hiện nay đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với tình hình đời sống của các đối tượng được bảo trợ xã hội, nguyên nhân là do nguồn ngân sách tỉnh Sóc Trăng còn khó khăn nên chưa thể nâng mức trợ cấp cao hơn mức chuẩn tối thiểu của Chính phủ quy định. Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội để phù hợp với điều kiện thực tế.
Liên quan đến bức xúc cử tri xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) về tình trạng ô nhiễm môi trường có mùi hôi tại bãi rác tập trung của huyện, đồng chí Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã giám sát kết quả khắc phục.
Theo báo cáo của lãnh đạo UBND huyện Châu Thành, bãi rác tập trung của huyện tại ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa đi vào hoạt động từ năm 2009, tỉnh cũng đầu tư cho huyện Châu Thành xây dựng lò đốt rác tập trung công nghệ BD-Anpha, công suất đốt là 12 tấn/ngày đêm đặt trong khuôn viên bãi rác xã Thuận Hòa. Tuy lò đốt rác hoạt động liên tục 24/24 giờ nhưng vẫn không xử lý hết lượng rác tập kết về bãi rác (lượng rác phát sinh hiện nay tại địa bàn huyện khoảng 14 - 16 tấn/ngày, vào dịp Tết và trung thu, lượng rác tăng lên 1,5 đến 2 lần), công suất lò đốt chỉ xử lý tối đa 50% khối lượng rác phát sinh hàng ngày. Lượng rác còn lại hàng ngày được tiến hành thuê đơn vị thực hiện cuốc, san ủi để có mặt bằng tiếp tục đổ rác. Hiện nay, lò đốt rác đã hư mái che không hoạt động, lượng rác tồn trên 15.000 tấn, bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh.
Qua giám sát, đồng chí Lê Văn Hiểu đã đề nghị lãnh đạo huyện Châu Thành phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với Công ty Cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng - đơn vị đầu tư thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải tại bãi rác tập trung của huyện để có biện pháp xử lý. Yêu cầu Công ty Cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng tiến hành phun xịt vi sinh hàng ngày để hạn chế mùi hôi, ruồi và thực hiện cuốc, san ủi để có mặt bằng tiếp tục đổ rác mới về bãi rác; sửa chữa lò đốt rác để xử lý kịp thời lượng rác thải…
Qua giám sát cho thấy trách nhiệm của các sở, ngành trong thực hiện lời hứa với cử tri và đánh giá được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để tìm giải pháp tháo gỡ.