TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI TRONG ĐẨY LÙI BẠO HÀNH GIA ĐÌNH
Những vụ bạo hành trong gia đình, rồi cả những vụ trọng án cướp đi sinh mạng người thân xảy ra thời gian vừa qua thật đau xót, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại truyền thống, đạo lý của dân tộc.
Nguyên nhân của các vụ việc phần lớn đều nảy sinh do những mẫu thuẫn từ chuyện ghen tuông, vay nợ, tranh chấp nhà đất; ngoài ra còn có những mâu thuẫn từ lối sống, cách ăn ở, nói năng. Mâu thuẫn ban đầu vốn nhỏ nhưng do không được giải quyết đúng cách nên dần dà “cái sảy nảy cái ung” thành mâu thuẫn lớn. Hậu quả là nỗi đau tinh thần và thể xác, thậm chí mất đi sinh mạng, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội. Tất cả những cá nhân, gia đình để xảy ra bạo hành đều rất đáng bị lên án, song nghĩ cho kỹ thì xã hội cũng có phần trách nhiệm không nhỏ.
Mẫu thuẫn trong gia đình không phải chuyện mới có. Từ xưa, cha ông ta có một câu rất xác đáng, ấy là: Nhà không yên thì phải giải quyết từ trong nhà trước. Việc trước nhất mỗi cá nhân phải tự kiểm điểm để tìm hiểu nguyên nhân và phương hướng khắc phục mâu thuẫn. Song, mẫu thuẫn vốn không bắt nguồn từ một cá nhân đơn lẻ. Để tránh nhà không yên cần phải có sự nhẫn nhịn, kiềm chế: “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa không đời nào khê”, hoặc “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Văn hóa Việt rất trân trọng tình xóm giềng và rộng hơn đó là môi trường sống, nên người xưa khuyên “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, rồi xa hơn nữa là “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước thì thương nhau cùng”… Tóm lại, để tránh mâu thuẫn, con người nên biết cách hành xử có trước có sau, từ cá nhân đến cộng đồng.
Trong những bi kịch gia đình xảy ra thời gian qua cho thấy mỗi cá nhân đều thiếu sự nhẫn nhịn, kiềm chế. Nguyên do đều xuất phát từ sự thiếu rèn luyện trau dồi đạo đức. Ở đây phần nào có thể thấy được những tác động tiêu cực đến từ xã hội, từ cuộc sống phụ thuộc quá nhiều vào tiền tài, vật chất và lối sống dễ dãi, đôi khi đặt cái tôi quá cao, vượt trên những chuẩn mực xã hội thông thường. Đáng sợ nhất là lối sống ấy còn được cổ vũ bằng đủ loại hình thức trên mạng xã hội và thông tin đại chúng.
Nếu chỉ nhìn vào xu hướng nổi bật hiện nay trên các trang mạng xã hội, nhiều người sẽ không khỏi giật mình với những nhân vật “giang hồ” như: Khá "bảnh", Huấn "hoa hồng"… hoặc những kẻ có lối sống khác người, đi ngược với chuẩn mực đạo đức xã hội như "bà Tưng", "Trang khàn"… lại có số lượng người theo dõi vô cùng đông đảo. Những “thần tượng xấu” này ngấm ngầm, từng ngày từng giờ tác động, ảnh hưởng, làm băng hoại giá trị truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Còn nhớ, vài năm về trước, nhiều gia đình cũng điêu đứng về một “đại dịch” mang tên game online. Nhiều gia đình tan nát vì con em sa chân vào nghiện game, hoang tưởng, vi phạm pháp luật để có tiền chơi game. Lúc đó toàn xã hội đã cùng vào cuộc và ngăn chặn được một phần tác động tiêu cực của game online lên giới trẻ. Đối với những “thần tượng xấu” trên mạng xã hội, với hiện trạng bạo hành gia đình hôm nay, cũng cần có sự vào cuộc rốt ráo, quyết liệt của toàn xã hội.
Ngoài ra, trách nhiệm giáo dục cá nhân khi có biểu hiện sai trái, lệch lạc của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, khu dân cư cũng cần được phát huy cao hơn nữa. Các biện pháp như xử phạt hành chính đối với nạn bạo hành gia đình cũng cần phải làm thường xuyên, triệt để nhằm tạo sức răn đe. Cuối cùng, mạng xã hội cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng cần tích cực tuyên truyền về những giá trị nhân bản, nhân văn nhằm tạo ra sức lan tỏa về điều tốt, việc thiện, ứng xử văn hóa chuẩn mực trong xã hội.