Trại bồ câu của Tuấn

Anh Trương Minh Tuấn nuôi 300 cặp bồ câu Pháp ở phường Phú Tài, TP. Phan Thiết, mỗi tháng thu nhập khoảng 20 triệu đồng.

Trại bồ câu của Tuấn

Trại bồ câu của anh Trương Minh Tuấn nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Hội, phường Phú Tài, hiện đang nuôi 300 cặp (600 con) bồ câu trong 140 lồng thép ghép với nhau thành hai dãy.

Buổi sáng, từ 8h-9h30, anh vệ sinh chuồng trại, thay nước và cho bồ câu ăn. Khoảng 2 giờ chiều, chủ trại cho ăn tiếp một lần.

Sau đó anh kiểm tra trứng, dùng đèn rọi kỹ xem trứng có phát triển hay không, trứng nào không có cồ (phôi) phải loại bỏ, đồng thời tiến hành ghép con, ghép trứng lại cho đều, để đạt hiệu quả cao nhất.

Bồ câu Pháp ấp trứng trong vòng 16 ngày sẽ nở chim con. Sau 20 ngày tiếp theo, chim con ra ràng sẽ được xuất bán.

Cứ mỗi cặp bồ câu bố mẹ, trong vòng 36-40 ngày, sẽ cho ra một cặp bồ câu thương phẩm. Với 300 cặp, mỗi tháng trung bình trại anh thu hơn 250 đôi bồ câu ra ràng.

Bồ câu ra ràng được bán sống với giá 110.000 đồng một cặp, còn nếu bán thịt đã làm sẵn thì với giá 210.000 đồng một ký. Trung bình mỗi cặp nặng khoảng 0,6kg.

Trừ chi phí, mỗi cặp cho lãi khoảng 16.000 -17.000 đồng, tính chung mỗi tháng anh lợi nhuận gần 20 triệu đồng.

Theo anh Tuấn, công việc nuôi bồ câu không quá khó, thức ăn cho bồ câu ăn chủ yếu là cám và bắp, ngoài ra anh Tuấn còn bổ sung thêm một số khoáng chất và vitamin để tăng cường sức đề kháng. Trong đó, quan trọng nhất là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để phòng dịch bệnh.

Anh Tuấn cho biết,năm 2012, sau khi tốt nghiệp Đại học ở TP.HCM chuyên ngành thiết kế, kỹ sư Tuấn về quê ở Phan Thiết xin việc tại một công ty xây dựng. Lúc đó, lương công ty mỗi tháng chỉ được 4 triệu đồng.

Năm 2014, tình cờ thấy nhà người quen ở xã Thiện Nghiệp nuôi bồ câu Pháp, anh mua 20 cặp nuôi thử. Thấy hiệu quả, anh nhân giống lên 100 cặp, xuất bán mỗi tháng thu nhập gấp đôi tiền lương làm ở công ty xây dựng.

Hai năm sau, nhận thấy nếu vừa làm thiết kế vừa nuôi bồ câu, không mang lại hiệu quả cao nhất, anh quyết định chuyển hẳn sang nghề mới này. “Thu nhập cao gấp đôi lương công ty, mình thấy phù hợp với điều kiện thực tế, nên về nhà nuôi bồ câu cho khỏe”, anh Tuấn cho biết.

Trước nhu cầu sử dụng thịt bồ câu ngày càng lớn (ở các quán ăn, nhà hàng, dịch vụ tiệc cưới và hộ gia đình), thị trường tiêu thụ mạnh, chàng thanh niên 31 tuổi này đang có kế hoạch mở rộng gấp đôi quy mô trại nuôi với hy vọng tăng gấp đôi nguồn thu nhập hiện tại.

KHẢI NGUYÊN

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/trai-bo-cau-cua-tuan-127532.html