Trái cây của Việt Nam đang rộng đường xuất khẩu

Ngày 8/9, thông tin từ Bộ Công thương cho biết, Tập đoàn siêu thị IMTIAZ của Pakistan đã chính thức quyết định nhập khẩu lô nước trái cây đầu tiên từ Việt Nam, bao gồm nước xoài, nước dứa, nước vải, nước nho, nước táo, nước ổi. Trong khi Nghị định thư về xuất khẩu nông sản cũng đã được ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong đó, cùng với sầu riêng tươi thì sầu riêng đông lạnh là một điểm mới tích cực.

Sản phẩm nước trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Pakistan. Nguồn: DTO.

Sản phẩm nước trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Pakistan. Nguồn: DTO.

Về việc xuất khẩu nhiều loại nước trái cây vào Pakistan, rất đáng chú ý khi nước này được coi là một trong các "đế chế" xoài của thế giới, đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu xoài. Không những thế, Pakistan còn có nhiều loại trái cây phong phú có sản lượng thương mại cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, như táo, nho, đào, lựu, ổi... và cũng là nước xuất khẩu trái cây lớn, đứng thứ 25 trên thế giới.

Vì thế, việc Việt Nam xuất khẩu được nước trái cây vào Pakistan là một thành quả đáng tự hào, có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển cơ cấu hàng xuất khẩu sang các mặt hàng chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, tạo đầu ra cho các mặt hàng nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Được biết, năm 2023, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả chế biến của nước ta vượt 1 tỷ USD, mang về 1,276 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022. Loại chế biến hiện chiếm khoảng 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường chuộng mặt hàng này của Việt Nam.

Cũng về lĩnh vực xuất khẩu trái cây, thông tin mới đây từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đã ký Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc xuất khẩu nông sản, trong đó có trái sầu riêng sang thị trường này. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng tiếp tục mang lại giá trị xuất khẩu lớn trong năm 2024, tiếp đó là các loại trái cây có giá trị khác như thanh long, chuối, xoài, mít, dừa, vải, nhãn, dưa hấu... Đây là những mặt hàng chiến lược, góp phần giúp doanh số xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam đạt mức 6,5 - 7 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, dự kiến sầu riêng sẽ mang về 3 tỷ USD, thanh long sẽ thu về khoảng 600 - 650 triệu USD; xoài khoảng 250 triệu USD; dừa khoảng 240 - 250 triệu USD; mít khoảng 200 triệu USD...

Vẫn theo ông Nguyên, giá sầu riêng hiện đã vượt mốc 100.000 đồng/kg là mức giá rất khả quan, có xu hướng tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.

Theo ông Nguyễn A Vùng - Giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu thương mại Toàn Thắng, mỗi năm công ty xuất khẩu gần 3.000 tấn sầu riêng tươi sang Trung Quốc và khoảng 2.700 tấn sầu riêng đông lạnh sang Thái Lan. Để tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, doanh nghiệp đã làm thủ tục xin cấp mã số cơ sở nhà máy chế biến, tới nay đã sẵn sàng cho những đơn hàng đầu tiên ngay khi nhà máy được cấp mã số. Công ty đã chuẩn bị lượng hàng lớn từ Đồng Nai và Đắk Lắk - 2 vùng có diện tích sầu riêng lớn. Số trái sầu riêng này đang được đưa về ủ chín, bóc tách múi, cơm và cấp đông, trữ đông ở nhà máy của công ty.

Cũng như Công ty Xuất Nhập khẩu thương mại Toàn Thắng, nhiều DN ở Đồng Nai cũng đã chuẩn bị kho lạnh, nhà máy sơ chế... và xúc tiến thủ tục để có cơ hội xuất khẩu sản phẩm đông lạnh này. Tuy nhiên, các DN mong muốn sớm được hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục, điều kiện để chủ động đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Để hỗ trợ DN chủ động đáp ứng những quy định, điều kiện và yêu cầu của nước nhập khẩu, ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ trao đổi kĩ với cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT về những nội dung của Nghị định thư đã ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để hướng dẫn cụ thể hơn cho DN. Đồng thời, Sở cũng sẽ hướng dẫn, tập huấn cho người lao động làm việc ở cơ sở chế biến sầu riêng những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc là cơ hội tốt cho nông sản Việt Nam, vì thị trường này rất tiềm năng. Hiện nay, DN đã chủ động nắm bắt cơ hội này. Tuy nhiên, DN cần sự hỗ trợ kịp thời hơn của cơ quan chức năng để hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, nhất là khi vùng nguyên liệu sầu riêng lớn nhất của cả nước ở Tây Nguyên đang vào mùa thu hoạch.

S.Tuyến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/trai-cay-cua-viet-nam-dang-rong-duong-xuat-khau-10289697.html