Trái cây miền Bắc khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc
Những vùng trồng cây ăn quả của các tỉnh miền Bắc hiện chưa được đầu tư nhiều vào phát triển vùng nguyên liệu, chủ yếu thu gom qua thương lái, nên khó khăn trong quản lý truy xuất nguồn gốc…
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tổng diện tích cây ăn quả các tỉnh miền Bắc năm 2018 ước đạt 393.000ha, chiếm 39,73% so cả nước. Tổng diện tích chứng nhận VietGAP cây ăn quả trên phạm vi cả nước khoảng 18.500ha; trong đó các tỉnh miền Bắc có hơn 7.900ha, tập trung vào các loại quả chủ yếu: cam, vải, nhãn, xoài, ổi…
Phần lớn diện tích cây ăn quả có quy mô nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng. Cùng với đó, vùng phía Bắc có nhiều khó khăn so với cả nước do độ dốc cao, địa hình chia cắt mạnh; mùa mưa tập trung lớn trong thời gian ngắn thường gây xói mòn, lũ quét; mùa khô lượng bốc hơi lớn gây khô hạn nặng.
Ngoài yếu tố tự nhiên, các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, chủ yếu thu gom qua thương lái, nên khó khăn trong quản lý truy xuất nguồn gốc, chất lượng không đồng đều và giá thành cao.
Cùng với đó, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp, thiếu vắng các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao.
Hiện nay, công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Rất ít nông dân, hợp tác xã ký kết được hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, các tỉnh miền Bắc cần thực hiện chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả. Cùng với đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm đặc sản, có thế mạnh của các tỉnh cần được đẩy mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, tùy thuộc điều kiện, đặc điểm cụ thể, các doanh nghiệp cần lựa chọn bước đi, lộ trình thích hợp, phù hợp điều kiện thực tế để lựa chọn sản phẩm lợi thế, đầu tư phát triển, nâng cấp sản phẩm từ cấp xã, huyện lên cấp tỉnh, quốc gia.