Trái cây Trung Quốc hết thời 'tung hoành' ở Việt Nam, hàng nội địa, Âu, Mỹ lên ngôi

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch COVID - 19 và nhu cầu chuyển đối của khách hàng, lượng trái cây Trung Quốc tiêu thụ khá chậm, nhiều chủ cửa hàng than ế ẩm. Trong khi đó, các trái cây nhập khẩu khác và nội địa đang được khách hàng ưa chuộng dù giá cả có mức giá khá cao.

Hoa quả Trung Quốc hết thời "làm mưa, làm gió"

Nhiều năm trước đây, hoa quả Trung Quốc luôn tràn ngập các chợ Việt Nam. Từ các siêu thị và trung tâm thương mại lớn cho đến các chợ truyền thống, chợ xanh, chợ cóc ở khắp các thành phố cho đến các xã, huyện vùng sâu vùng xa,, các loại hoa quả: Lê, táo, quýt, cam...của Trung Quốc với đâu đâu cũng thấy có.

Nhưng đi kèm với giá rẻ, nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm từ các loại hoa, quả Trung Quốc cũng khá phổ biến với các câu chuyện: Có những đĩa cam, quýt, lê ...của Trung Quốc mua về để trên ban thờ hàng tháng trời không hỏng. Bởi có thực tế nhiều loại quả Trung Quốc được ngâm trong hóa chất bảo quản độc hại.

Tuy nhiên, tình trạng này đã thay đổi nhanh trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây. Hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Hiền, một tiểu thương buôn bán rau củ quả tại khu chợ Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội), chị này cho biết: “Dạo gần đây, trái cây Trung Quốc tiêu thụ rất chậm. Các tiểu thương như chúng tôi đẩy mạnh mua bán các loại trái cây nhập khẩu cũng như hàng nội địa như xoài, bưởi cam, táo (các loại) để tăng lượng mua hàng”.

“Đơn cử, táo Trung Quốc có giá chỉ 15.000 - 20.000 đồng/kg nhưng táo nhập khẩu có nhiều loại có giá dao động 80.000 – 150.000đồng/kg, giá quýt Trung Quốc chỉ có giá từ 25-30.000 đồng/kg, tính ra mỗi khâu hàng tiểu thương buôn bán như chúng tôi chỉ lời từ 3.000-5.000 đồng nhưng vẫn rất ế ẩm, mặt khác chúng còn nhanh hỏng nên không bảo quản được lâu. Nhiều mẻ hàng ế quá, cũng đành ngậm ngùi bỏ đi, chấp nhận lỗ vốn chứ không kêu than ai được”, chị Hiền nói thêm.

Cùng ý kiến, chị Thành (47 tuổi), tiểu thương bán trái cây chợ dọc đường Hoàng Văn Thái cho biết: "Trước đây, trái cây Trung Quốc chiếm khoảng 40% lượng trái cây bày bán, nhưng nay giảm còn chưa tới 10%. Tại sạp của tôi, trước đây, mỗi ngày bán khoảng 50kg lê, bom, quýt, cam Trung Quốc, nhưng hiện tại số lượng giảm khoảng 10 lần. Tôi còn khoảng 10kg các loại trái cây Trung Quốc (quýt, bom, lê) giá chỉ 20.000-30.000 đồng /kg nhưng bán mấy ngày nay không hết”.

Sạp hoa quả của chị Thành trên phố Hoàng Văn Thái.

“Nhiều người đến hỏi mua quả táo, lê, khi nói trái cây Trung Quốc thì dứt khoát họ không mua. Một số ít tiểu thương ở đây bán ít trái cây Trung Quốc nhưng phải nói là của các nước khác. Tuy nhiên, nhiều khách hàng mua về nhà ăn nhận ra là hàng của Trung Quốc đã đến trả lại.Từ đó các tiểu thương giảm hoặc không lấy trái cây Trung Quốc bán nữa", chị Thành tiết lộ.

“Trái cây của Trung Quốc chủ yếu vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch nên rất khó kiểm soát và được phân bổ vào hầu hết các chợ. Trong thời gian qua, người tiêu dùng đã bắt đầu vào các hệ thống siêu thị mua trái cây và rau quả trong nước vì lo ngại sẽ mua phải trái cây nhập lậu từ Trung Quốc”- chị Thành thông tin thêm.

Khó bán, hàng Trung Quốc nhập lậu phải đội lốt trái cây Việt Nam

Theo chia sẻ của một số thương lái, có một thực tế đang diễn ra mà ít ai biết, nhiều loại rau củ Trung Quốc đóng gói rồi phải dán nhãn của Việt Nam và được phân bổ đến nhiều tỉnh thành trong cả nước, bằng mắt thường thì người dân khó mà phân biệt được.

Là người thường mua hoa quả ở các chợ dân sinh, chị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây, tôi thấy hoa quả nhìn ngon thì mua chứ ít quan tâm đến nguồn gốc, hơn nữa cũng không biết để phân biệt đâu là quả trong nước hay quả Trung Quốc. Nhưng giờ đây, sau khi thấy hoa quả Trung Quốc được cảnh báo mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây hại cho sức khỏe, tôi chuyển hẳn qua dùng trái cây nhập khẩu từ các nước khác dù giá có cao hơn, đổi lại tôi thấy an tâm hơn”.

Chị Hà đi chợ mua hoa quả nhưng chỉ chọn mua táo nhập khẩu, nói không với quýt Trung Quốc.

Theo chị Hà, thời điểm này, dân trí đã cao cùng với thu nhập tăng, việc vận chuyển thông thương dễ dàng hơn nên giá thành và lượng hoa quả nhiều hơn, giá rẻ dễ mua. Từ đó, người dân có thói quen ăn hoa quả nhập khẩu từ các nước châu Âu, châu Mỹ, không còn chuộng hoa quả từ Trung Quốc như thời điểm trước đây.

Mặc dù giá bán của các sản phẩm trái cây, rau củ của Trung Quốc thấp hơn Việt Nam nhiều nhưng vẫn không thu hút người tiêu dùng, hầu hết chỉ được tiêu thụ bởi người thu nhập thấp. Đây chính là nguyên nhân khiến cho sản lượng rau quả Trung Quốc sụt giảm trong thời gian qua ngoài lý do Covid-19.

Thúy Hằng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trai-cay-trung-quoc-het-thoi-tung-hoanh-o-viet-nam-hang-noi-dia-au-my-len-ngoi-post123914.html