Trái cây xuất khẩu phải luôn đảm bảo chất lượng
So với các loại cây trồng khác thì cây ăn trái được xem là một trong những loại cây trồng đem về thu nhập khá cho bà con nhà vườn. Chính vì vậy trong những năm qua, việc cơ cấu giống cây trồng rất được các cấp ban ngành tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, đặc biệt với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hàng loạt mô hình sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp thay đổi, trong đó đã chuyển đổi quy hoạch các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ thị trường xuất khẩu, mở ra hướng đi phù hợp xu thế thị trường về xuất khẩu trái cây an toàn vệ sinh thực phẩm.
Là một trong những hợp tác xã (HTX) được doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua bưởi xuất khẩu, Giám đốc HTX Bưởi Thành Công Lê Văn Phải, xã Kế Thành (Kế Sách) cho biết: “HTX có diện tích hơn 49ha, chuyên canh cây bưởi da xanh và bưởi năm roi, sản lượng ước đạt 20 tấn/ha/năm. HTX đã được cấp chứng nhận đạt VietGAP với diện tích 37,3ha, có 28 thành viên tham gia, được cấp mã số vùng trồng diện tích 41ha. Nhờ sự hỗ trợ của ngành chuyên môn về kỹ thuật sản xuất trái bưởi theo quy trình VietGAP, trái bưởi của HTX đạt yêu cầu về chất lượng phục vụ thị trường xuất khẩu, qua đó được doanh nghiệp liên kết thu mua với sản lượng năm 2019 là 40 tấn bưởi. So với việc bán trái cho các thương lái bên ngoài thì việc ký kết cùng doanh nghiệp tiêu thụ bưởi có giá thành tốt hơn, góp phần tăng lợi nhuận của thành viên. Đồng thời, để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường xuất khẩu, HTX đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất do doanh nghiệp đưa ra cũng như ngành chuyên môn khuyến cáo nhằm đảm bảo chất lượng trái luôn an toàn vệ sinh thực phẩm…”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty Chánh Thu, doanh nghiệp thu mua trái cây xuất khẩu chia sẻ: “Doanh nghiệp đã đến Sóc Trăng thu mua trái vú sữa tím trong gần 2 năm qua tại HTX Quyết Thắng, xã Xuân Hòa (Kế Sách) để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Để hỗ trợ HTX, bước đầu công ty cũng đã đưa kỹ thuật xuống tận các nhà vườn là thành viên HTX khảo sát cũng như hướng dẫn kỹ thuật cần thiết trong quá trình sản xuất trái vú sữa tím. Bước đầu doanh nghiệp gặp khó khăn vì một số nhà vườn không đồng tình với việc bao trái và lo lắng trước việc liên kết cùng doanh nghiệp, kể cả các thắc mắc về giá thu mua, lợi ích khi bán sản phẩm thông qua liên kết, tác dụng của vấn đề bao trái… Giải quyết khó khăn, doanh nghiệp đã đưa ra các điều kiện hỗ trợ HTX trong khâu sản xuất và mức giá sàn thu mua là 30.000 đồng/kg trái, nếu giá thị trường thấp hơn vẫn thu mua giá đã ký kết cùng HTX, còn giá lên cao sẽ tăng giá thu mua”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp giải thích cho nhà vườn hiểu là nếu vú sữa được bao trái sẽ an toàn, ít dịch bệnh, không chỉ phục vụ thị trường xuất khẩu mà còn tiêu thụ tốt tại các thị trường khác trong nước. Bà con đã nhiệt tình lựa chọn phương pháp sản xuất tránh thiệt hại là bao trái. Với góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Chánh Thu mong muốn được các ngành chuyên môn địa phương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp hỗ trợ nhà vườn sản xuất cây ăn trái có hiệu quả, tức là sản xuất sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm hòa vào thị trường quốc tế. Có như vậy doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư phát triển thị trường, bởi sản phẩm “sạch” doanh nghiệp không bị rủi ro, cơ hội phát triển thêm thị trường và thu mua sản phẩm nhiều hơn.
Phía doanh nghiệp có sự lo lắng nhất định bởi khi xuất khẩu sản phẩm kiểm nghiệm không đạt chất lượng, đơn hàng sẽ bị hủy, sau 3 lần sẽ bị đóng code, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, kể cả nhà vườn. Vì vậy, doanh nghiệp mong rằng bà con nông dân hết sức hỗ trợ doanh nghiệp và cùng liên kết chuỗi tạo nên chuỗi liên kết bền vững và để trái vú sữa được bán liên tục, nhà vườn cần nghĩ đến vấn đề xử lý cho trái có quanh năm…
Trong nhiều chuyến đi thực tế tại các HTX nông nghiệp về cây lúa, đặc biệt là cây ăn trái, đồng chí Phan Văn Sáu - Bí thư Tỉnh ủy luôn lưu ý các HTX, bà con nông dân phải sản xuất nông nghiệp theo hướng “sạch”, an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi không chỉ phục vụ thị trường xuất khẩu mà thị trường trong nước cũng rất cần sử dụng sản phẩm “sạch”, đảm bảo chất lượng. Đồng chí Phan Văn Sáu nhấn mạnh rằng, thị trường tiêu thụ rất quan trọng và bà con sản xuất phải quan tâm đến thị trường tiêu thụ. Việc tiêu thụ chưa tốt một phần là do chúng ta sản xuất không theo yêu cầu thị trường về chất lượng, quy trình… cũng như phân khúc thị trường. Để đầu ra sản phẩm luôn ổn định cần tổ chức sản xuất theo thị trường, trước hết là từng hộ, đến hợp tác xã phải sản xuất sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, người sản xuất cần làm theo yêu cầu thị trường và làm theo hướng dẫn của ngành chuyên môn cũng như quy trình doanh nghiệp đưa ra cho sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu… trong liên kết chuỗi giữa nông dân và doanh nghiệp. Theo đó, trước tiên cần có lòng tin, tạo sự gắn kết, trung thực để đôi bên làm ăn lâu dài, bền vững…