Trái chiều giá chung cư Hà Nội và TP.HCM
Giá nhà trung bình là 44 triệu đồng/m2 diện tích xây dựng (NSA), tăng 8% theo quý. Còn chỉ số nhà ở tại TP.HCM giảm 2 điểm % so với quý trước, xuống 123 điểm % sau khi nhiều dự án bị tạm dừng.
Báo cáo chỉ số giá bất động sản (BĐS) của Savills Việt Nam cho thấy, quý I, chỉ số nhà ở tại Hà Nội đã tăng 8 điểm % so với quý trước lên 142,5 điểm %. Chỉ số này đã tăng 37% kể từ khi chạm đáy ở mức 104,1 vào quý III/2019.
Giá nhà trung bình là 44 triệu đồng/m2 diện tích xây dựng (NSA), tăng 8% theo quý. Hà Nội đang ưu tiên phát triển các công trình cơ sở hạ tầng, tạo ra nhu cầu BĐS ngay lập tức và nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Các dự án trọng điểm sẽ là động lực tạo cơ hội cho các dự án nhà ở giá cả phải chăng.
Quý I, thị trường Hà Nội ghi nhận tỷ lệ hấp thụ đạt 41%, tăng 15 điểm % theo quý và 27 điểm % so với cùng kỳ. Phân khúc hạng B chiếm 88% tổng số giao dịch. Nguồn cung mới đạt 45% tỷ lệ hấp thụ. Các dự án lớn chiếm 71% tổng số giao dịch, phản ánh nhu cầu tiếp tục tăng cho các khu vực ngoại ô.
Savills Việt Nam cho biết, sự tự tin và ổn định đang trở lại thị trường BĐS Hà Nội trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp và các cải cách quy định toàn diện mới, bao gồm các Luật Kinh doanh BĐS, Nhà ở cũng như các biện pháp tài khóa hỗ trợ của Chính phủ.
Tuy nhiên, chỉ số nhà ở tại TP.HCM giảm 2 điểm % so với quý trước, xuống 123 điểm % sau khi nhiều dự án bị tạm dừng. Giá bán sơ cấp cũng ghi nhận giảm 3% so với quý trước xuống còn 67 triệu đồng/m2 thông thủy. Tỷ lệ hấp thụ giảm 18 điểm % so với quý trước xuống 23%. Nguồn cung mới đạt tỷ lệ hấp thụ 70% trong khi tồn kho chỉ đạt tỷ lệ hấp thụ 16%.
Savills Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh giao dịch giảm sút và niềm tin người mua nhà yếu, các nhà phát triển đang cho thấy sự thận trọng thông qua việc duy trì giá bán ổn định và tăng chiết khấu. Một số chủ đầu tư đã tạm dừng các dự án để tinh chỉnh chính sách bán hàng.
Xu hướng dịch chuyển ra vùng ven là điều tất yếu
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội nhận định, tại thị trường Hà Nội, xu hướng dịch chuyển ra ven đô là tất yếu vì khi nội đô có quỹ đất, dự án và nguồn cung hạn chế, thành phố buộc phải đầu tư phát triển hạ tầng vành đai, hướng tâm giảm tải cho nội đô, giãn dân ra các vùng ven.
Hiện nay, đã có các khu đô thị mới ở những khu vực xa trung tâm được đầu tư tiện ích đồng bộ, chất lượng với số lượng giao dịch ngày càng tăng khiến người dân đã cởi mở hơn với việc dịch chuyển ra các khu vực vùng ven.
"Nhu cầu này còn đến từ những người có thể làm việc từ xa, không đòi hỏi phải di chuyển nhiều mà vẫn có thể có được tiện ích đồng bộ, hạ tầng cảnh quan tốt. Đồng thời, trong thời gian tới, sự dịch chuyển của nhiều cơ sở đào tạo giáo dục, các trụ sở hành chính công sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng giãn dân", bà Hằng nói.
Vị chuyên gia chia sẻ thêm, trên thị trường sơ cấp tại thời điểm quý I, khu Đông Hà Nội, bao gồm Gia Lâm và Long Biên, hiện có số lượng căn hộ bán ra đứng thứ 2 toàn thành phố. Đây là khu vực có quỹ đất lớn, có sự tham gia của các chủ đầu tư kinh nghiệm, phát triển dự án bài bản giúp thúc đẩy tình hình giao dịch so với các quận, khu vực khác. Trong quý IV/2023 và quý I/2024, xét riêng thị trường ngoài trung tâm, Nam Từ Liêm đứng đầu về số lượng căn bán ra, tiếp đến là Gia Lâm và Long Biên.
"Đây dự kiến là xu hướng tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, bởi nơi nào còn nguồn cung sơ cấp, nơi đó có giao dịch đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng gia tăng ở thị trường Hà Nội", bà Hằng cho hay.
Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển ra vùng ven cũng đang diễn ra tương tự đối với TP.HCM. Nguyên nhân là quỹ đất ở TP.HCM cạn kiệt, nguồn cung sơ cấp ở đang có mức giá "chát", không phù hợp với đại đa số người dân.
Xu hướng dịch chuyển ra vùng ven hiện nay đang diễn ra rõ rệt tại thị trường Bình Dương khi nhiều doanh nghiệp BĐS "đổ bộ" để phát triển nhà ở vừa túi tiền. Năm nay, dự kiến, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An chiếm 96% nguồn cung căn hộ có giá dưới 5 tỷ đồng.