Trái chủ Credit Suisse sắp đâm đơn kiện sau khi mất trắng 17 tỷ USD
17 tỷ USD trái phiếu cấp 1 bổ sung bị xóa sổ sau khi Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - bán mình. Điều này khiến các trái chủ nổi giận.
CNBC đưa tin hôm 21/3, một số trái chủ của Credit Suisse cho biết họ đang cân nhắc các động thái pháp lý sau khi 17 tỷ USD trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của ngân hàng bị xóa sổ.
Cuối tuần trước, Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính của Thụy Sĩ (Finma) cho biết sau khi UBS mua lại Credit Suisse, hàng tỷ USD trái phiếu của ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ sẽ trở nên vô giá trị. Toàn bộ AT1 của nhà băng Thụy Sĩ được bút toán giảm để tăng vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, các cổ đông vẫn được hoàn trả sau vụ mua lại. Điều này khiến trái chủ của Credit Suisse nổi giận.
Các hành động pháp lý
Nói với CNBC, ông David Benamou - Giám đốc đầu tư của Axiom Alternative Investments, một trong các trái chủ AT1 của Credit Suisse - tiết lộ ông và "hầu hết trái chủ" sẽ tham gia vụ kiện.
Hôm 20/3, công ty luật Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan (có trụ sở ở California) cho biết đã "tập hợp một nhóm luật sư từ Thụy Sĩ, Anh và Mỹ" sau vụ giải cứu Credit Suisse.
"Nhóm này đã thảo luận với các trái chủ AT1 của Credit Suisse, với tổng giá trị nắm giữ chiếm phần lớn trong số các trái phiếu AT1 được ngân hàng này phát hành, cũng như những hành động pháp lý có thể có đối với họ trong vụ sáp nhập giữa UBS và Credit Suisse", hãng cho biết.
Trước đây, hãng luật này cũng đại diện cho các trái chủ sau khi ngân hàng Banco Popular (Tây Ban Nha) được bán cho Banco Santander hồi năm 2017 với giá 1 euro. Giá trị của toàn bộ trái phiếu AT1 của ngân hàng này cũng bị giảm về 0.
Công ty tiết lộ đang lên kế hoạch cho một cuộc họp với các trái chủ vào ngày 22/3 nhằm thảo luận về "những cách khắc phục tiềm năng".
Hủy hoại niềm tin
Thông thường, trong các trường hợp ngân hàng phá sản, trái chủ AT1 sẽ được ưu tiên hơn các cổ đông nắm giữ cổ phần công ty.
Theo các chiến lược gia tại Goldman Sachs, trái chủ của Credit Suisse đã gánh khoản lỗ lớn nhất đối với nhà đầu tư AT1 kể từ khi loại trái phiếu này ra đời vào cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
AT1 được tạo ra sau khủng hoảng tài chính nhằm chuyển rủi ro khỏi doanh nghiệp trong khủng hoảng. Do yếu tố rủi ro cao, loại trái phiếu này thường trả lãi cao hơn những trái phiếu khác.
Quyết định của giới chức Thụy Sĩ bị chỉ trích là gây tổn hại niềm tin vào loại tài sản này và có thể tạo ra hiệu ứng lan toàn trên toàn cầu.
Hôm 20/3, Hội đồng Giải quyết Thống nhất (SRB) và Cơ quan Ngân hàng Châu Âu (EBA) thuộc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã đưa ra một tuyên bố chung. Tuyên bố trấn an các nhà đầu tư rằng thỏa thuận với Credit Suisse chỉ là trường hợp cá biệt.
Thụy Sĩ không thuộc Liên minh Châu Âu và không phải tuân theo các quy định của khối.
"Đặc biệt, các công cụ vốn cổ phần phổ thông là những công cụ đầu tiên hấp thụ khoản lỗ, và chỉ sau khi sử dụng hết công cụ này, AT1 mới bị bút toán giảm", giới chức EU nhấn mạnh.
"Cách tiếp cận này đã được áp dụng nhất quán trong các trường hợp trước đây, và sẽ tiếp tục được sử dụng trong việc can thiệp vào khủng hoảng", tuyên bố nhấn mạnh.
Tuyên bố cho biết trái phiếu AT1 đã và sẽ tiếp tục là thành phần quan trọng trong cấu trúc vốn của các ngân hàng châu Âu.
Tính tới cuối năm ngoái, tỷ lệ vốn cổ phần phổ thông cấp 1 (CET1) của Credit Suisse là 14,1%. Còn tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán đạt 144%.
Các con số này cho thấy ngân hàng có tính thanh khoản cao và có khả năng thanh toán. Điều đó khiến ông Benamou tại Axiom đặt câu hỏi rằng Credit Suisse có "sụp đổ" theo nghĩa truyền thống hay không.
Niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng gửi tiền vào nhà băng đã bị hủy hoại. Điều đó dẫn tới giá cổ phiếu lao dốc và dòng tiền chảy khỏi ngân hàng. FINMA cho biết Credit Suisse đứng trước rủi ro "mất thanh khoản" dù không vỡ nợ.