Trái Đất nóng chưa từng thấy trong tháng 6
Nhiệt độ cực cao trên cả đất liền và biển đã dẫn đến những hậu quả tai hại ở một số quốc gia và khu vực.
Trong tháng 6 vừa qua, các dấu hiệu khí hậu chính bao gồm nhiệt độ không khí và nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu đều đạt mức cao nhất so với các tháng 6 trong lịch sử. Nhiều khu vực trải qua nắng nóng gay gắt, bao gồm các nước Arab, Nam Âu và châu Á, thậm chí đạt nhiệt độ cao chưa từng có so với các tháng 6 trước đây.
Ở một số nơi, nắng nóng đã gây ra những hậu quả tai hại, bao gồm tàn phá và ô nhiễm do cháy rừng Canada, số người chết gia tăng do đợt nắng nóng kéo dài ở Mexico.
“Đây là bằng chứng về sự mất ổn định của hệ thống khí hậu toàn cầu", Eric Holthaus, nhà khí tượng học và là người sáng lập dịch vụ thời tiết Currently, cho biết.
Trước đây, các nhà nghiên cứu từng chứng kiến các kỷ lục riêng lẻ bị phá vỡ, nhưng tháng 6 vừa qua là lần đầu tiên tất cả các kỷ lục về nhiệt độ cũng như mức tan băng bị phá vỡ đồng thời, theo Thomas Smith, nhà địa lý môi trường tại Trường Kinh tế London.
Các đại dương đang ấm hơn bao giờ hết. Vào tháng 6, mức biến động nhiệt độ bề mặt biển - chỉ số thể hiện mức độ chênh lệch nhiệt độ mặt biển hiện tại so với mức trung bình trong lịch sử - cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình từ năm 1982 đến nay.
Trong thập kỷ qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phổ biến và 8 năm qua là những năm nóng nhất trong lịch sử. “Nhiệt độ đang ấm hơn bao giờ hết, bắt nguồn từ lượng khí nhà kính tăng thêm trong khí quyển. Lượng khí nhà kính cũng ảnh hưởng đến nhiệt độ bề mặt biển vì đại dương nhận được năng lượng hồng ngoại từ khí quyển", Smith cho biết.
Nhiều vùng của Canada trải qua nhiệt độ cao hơn 14 độ C so với mức trung bình trong tháng 6, cùng với các trận cháy rừng thảm khốc. Dữ liệu từ hệ thống giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu cho thấy tổng lượng carbon thải vào khí quyển trong tháng 6 năm nay đã vượt quá tổng lượng của cả mùa cháy rừng trong các năm trước, trong khi mùa cháy thường kéo dài đến hết tháng 8.
Smith cho biết tình trạng này có liên quan trực tiếp đến đợt nắng nóng. Ở Mexico, mức nhiệt cực cao lên tới 49 độ C kéo dài trong nhiều tuần.
Lượng băng trên biển trên toàn cầu cũng giảm mạnh so với mức trung bình của tháng 6. Diện tích băng thấp nhất, được ghi nhận vào ngày 29/6 là khoảng 21,78 triệu km vuông, theo dữ liệu từ Trung tâm dữ liệu băng tuyết của NASA.
Ở Nam Cực, nơi tháng 6 là thời điểm giữa mùa đông, băng biển cũng hẹp hơn hẳn so với các tháng 6 trước đây. “Băng biển ở Nam Cực ở mức thấp kỷ lục trong tháng 6. Trong 18 tháng qua, đã có nhiều tháng băng cũng ở mức thấp kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước", Caroline Holmes, nhà nghiên cứu băng biển tại Cơ quan khảo sát Nam Cực của Anh, cho biết.
“Với tình hình này, băng biển khó phục hồi nhiều trong năm tới. Mất băng biển ảnh hưởng đến nhiều hệ sinh thái", Holmes nói thêm.
Hành tinh đang bước vào thời kỳ El Nino, có nghĩa là nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng. "Thông thường, El Nino sẽ bắt đầu có tác động vài tháng sau khi bắt đầu, có nghĩa là ảnh hưởng sẽ diễn ra vào năm sau”, Smith nói. Chuyên gia cho biết để giảm thiểu các hiện tượng thời tiết cực đoan, cần giảm đáng kể lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch càng nhanh càng tốt.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trai-dat-nong-chua-tung-thay-trong-thang-6-post1445479.html