Trái đất sắp bắt được một mặt trăng khác

Trái đất sắp có thêm một 'mặt trăng nhỏ' mới, nhưng hiện tượng này sẽ không tồn tại lâu.

Các nhà thiên văn học cho biết tiểu hành tinh mới phát hiện có tên 2024 PT5 sẽ tạm thời bị lực hấp dẫn của Trái đất giữ lại, giúp nó quay quanh Trái đất từ ngày 29/9 đến ngày 25/11. Sau đó, thiên thạch không gian này sẽ quay trở lại quỹ đạo nhật tâm, tức là quỹ đạo quanh Mặt trời.

Thông tin chi tiết về mặt trăng nhỏ tạm thời và quỹ đạo hình móng ngựa của nó đã được công bố trong Ghi chú nghiên cứu của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ vào tháng này.

Minh họa cảnh tượng khi mặt trăng nhỏ này bay quanh Trái đất:

Các nhà thiên văn học lần đầu tiên phát hiện tiểu hành tinh này vào ngày 7/8 bằng cách sử dụng đài quan sát đặt tại Nam Phi thuộc Hệ thống cảnh báo cuối cùng về tác động của tiểu hành tinh trên Trái đất (ATLAS) do NASA tài trợ.

Tác giả chính của nghiên cứu Carlos de la Fuente Marcos tại Đại học Complutense Madrid cho biết tiểu hành tinh 2024 PT5 có đường kính khoảng 11 mét, không có nguy cơ va chạm với Trái đất trong vài thập kỷ tới. Tảng đá vũ trụ này sẽ quay quanh quỹ đạo cách xa khoảng 4,2 triệu km hoặc khoảng 10 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng.

De la Fuente Marcos cho biết những tiểu hành tinh bay qua Trái đất trong thời gian ngắn này là những mặt trăng nhỏ trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Hiện tượng trăng nhỏ ngắn có thể xảy ra nhiều lần trong một thập kỷ, nhưng hiện tượng trăng nhỏ dài rất hiếm và chỉ xảy ra sau mỗi 10 hoặc 20 năm.

Các tiểu hành tinh không dễ trở thành mặt trăng nhỏ vì chúng phải di chuyển với tốc độ và hướng phù hợp để bị lực hấp dẫn của Trái đất giữ lại. De la Fuente Marcos cho biết: "Để trở thành một mặt trăng nhỏ, một vật thể bay tới phải tiếp cận Trái đất từ từ ở cự ly gần".

Ông nói thêm rằng các tiểu hành tinh trở thành mặt trăng nhỏ sẽ bay cách Trái đất trong phạm vi 4,5 triệu km với tốc độ dưới 3.600 km/h.

Tiểu hành tinh 2024 PT5 có nguồn gốc từ vành đai tiểu hành tinh Arjuna, bao gồm các tiểu hành tinh nhỏ có quỹ đạo quanh mặt trời tương tự như quỹ đạo của Trái đất.

De la Fuente Marcos và các đồng nghiệp có kế hoạch quan sát 2024 PT5 để thu thập thêm dữ liệu và thông tin chi tiết bằng cách sử dụng đài thiên văn Gran Telescopio Canarias và Two-Meter Twin Telescope, cả hai đều nằm trên quần đảo Canary của Tây Ban Nha. Nhưng ông cho biết tiểu hành tinh này sẽ quá nhỏ và mờ để các kính thiên văn nghiệp dư hoặc ống nhòm có thể quan sát được. Nó sẽ không tạo ra bất kỳ hiệu ứng nào có thể quan sát được trên Trái đất.

Sau 56,6 ngày, lực hấp dẫn của Mặt trời sẽ đưa tiểu hành tinh 2024 PT5 trở lại quỹ đạo bình thường của nó.

Nhưng theo nghiên cứu, thiên thạch này dự kiến sẽ bay ngang qua Trái đất ở khoảng cách 1,7 triệu km vào ngày 9/1/2025, trước khi "rời khỏi vùng lân cận Trái đất ngay sau đó, cho đến lần quay trở lại tiếp theo vào năm 2055".

Khi tiểu hành tinh 2024 PT5 quay trở lại, các nhà thiên văn học dự đoán nó sẽ trở thành mặt trăng nhỏ của Trái đất trong vài ngày vào tháng 11/2055 và một lần nữa trong vài tuần vào đầu năm 2084.

Ngọc Ánh (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trai-dat-sap-bat-duoc-mot-mat-trang-khac-post313316.html