Trái Đất sắp mất đi 'Mặt Trăng thứ hai' vĩnh viễn
Mặt Trăng thứ hai của Trái Đất sẽ tiến gần đến hành tinh này lần cuối cùng vào tuần này, trước khi trôi dạt trong không gian và không bao giờ quay trở lại.
Trong một thông báo mới đây, NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) cho biết Mặt Trăng thứ hai của Trái Đất sẽ tiến gần đến hành tinh này lần cuối cùng vào tuần này, trước khi trôi dạt trong không gian và không bao giờ quay trở lại.
Mặt Trăng thứ hai của Trái Đất (minimoon), hay còn được các nhà thiên văn học gọi với cái tên 2020 SO, là một vật thể nhỏ lọt vào giữa quỹ đạo của Trái Đất và Mặt Trăng hồi tháng 9/2020.
Tháng 12/2020, các nhà nghiên cứu tại NASA phát hiện ra vật thể này không phải bất kỳ vật thể nào quanh quay Trái Đất là cũng được hình thành trong vũ trụ.
Thực chất, vật thể này là tàn tích của một động cơ tên lửa đẩy, được phóng lên không gian từ những năm 1960. Tên lửa này là một trong những thiết bị tham gia sứ mệnh khám phá Mặt Trăng của tổ chức American Surveyor.
Theo Earth Sky, lần Mặt Trăng thứ hai này tiếp cận Trái Đất gần nhất là vào ngày 01/12/2020 (ngay trước thời điểm mà NASA phát hiện nó là tàn tích của một động cơ tên lửa đẩy).
Và trong tuần này, Mặt Trăng thứ hai này sẽ có thêm một lần tiếp cận nữa trước khi biến mất mãi mãi. Tiểu Mặt Trăng 2020 SO sẽ tiếp cận gần với Trái Đất lần cuối vào ngày 2/2 (theo giờ Mỹ) sắp tới với khoảng cách 220.000 km tính từ Trái Đất, tương đương 58% khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng.
Đến tháng 3/2021, Mặt Trăng thứ hai này sẽ hoàn toàn biến mất khỏi quỹ đạo của Trái Đất và trôi dạt trong không gian và sẽ trở thành một vật thể vô định bay xung quanh Mặt Trời.
NASA phát hiện ra rằng Mặt Trăng thứ hai này từng có một vài lần tiếp cận Trái Đất trong vài thập niên qua, trong đó có năm 1966 - năm mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ phóng tàu thăm dò Mặt Trăng Surveyor 2 cùng tên lửa đẩy Centaur vào không gian.
Đây cũng là một chi tiết giúp các nhà khoa học có được manh mối tin rằng 2020 So do con người tạo ra. NASA cũng đồng thời xác nhận điều đó sau khi so sánh cấu trúc hóa học của vật thể với thành phần hóa học của một tên lửa đẩy khác hoạt động từ năm 1971.