Trái Đất vừa trải qua tháng 9 nóng nhất trong lịch sử
Nhân loại vừa trải qua một tháng 9 nóng nhất trong lịch sử. Đây là công bố của Chương trình sử dụng hình ảnh từ vệ tinh để quan sát xu hướng khí hậu trên Trái Đất của Liên minh châu Âu (EU).
Chuyên gia cấp cao của Cơ quan giám sát khí hậu Copernicus - bà Freja Vambourg, ngày 7/10 cho biết: "Hiện tại có rất ít sự khác biệt (về nhiệt độ Trái Đất) trong hai năm 2020 và 2016, xét trong 9 tháng đầu năm”.
Trong khoảng thời gian 12 tháng, kể từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020, Trái Đất ghi nhận mức nhiệt cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 1,3 độ C.
Đây là một dấu hiệu đáng báo động, bởi mức nhiệt này gần với ngưỡng 1,5 độ C - vốn được cảnh báo là có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đã được nêu chi tiết trong một báo cáo sâu do IPCC - ban cố vấn khoa học khí hậu của Liên hợp quốc - công bố năm 2018.
Báo cáo của Copernicus cho biết: "Nền nhiệt trung bình toàn cầu trong tháng 9 vừa qua đã tăng 0,05 độ C so với mức kỷ lục ghi nhận trong tháng 9/2019".
Theo Copenicus, nhiệt độ trong tháng 9/2020 "đặc biệt cao" ở phía Bắc Siberia. Trên thực tế, khu vực này cùng phần lớn khu vực Vòng Bắc Cực đã chứng kiến khí hậu ấm bất thường trong nhiều tháng trước đó.
Tháng 9 cũng khá tàn khốc ở Trung Đông, với mức nhiệt cao chưa từng có ghi nhận tại Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Jordan.
Nhiều khu vực ở Bắc Phi và Tây Tạng cũng nóng như thiêu đốt, trong khi mức nhiệt ban ngày cao nhất đạt 49 độ C ở hạt Los Angeles (Mỹ) vào đầu tháng 9 vừa qua.
Trên khắp bang California của Mỹ, 5 trong số 6 trận cháy rừng lớn nhất lịch sử của bang này cho đến cuối tháng 9 vừa qua vẫn chưa thể được kiểm soát.
Đáng chú ý, mức nhiệt kỷ lục này diễn ra trong bối cảnh khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương đang chịu tác động của hiệu ứng làm mát từ hiện tượng thời tiết La Nina.
Trong khi đó, lượng băng ở biển Bắc Cực đã giảm 4 triệu km vuông (mức thấp thứ hai trong lịch sử) trong tháng 9 vừa qua. Đây cũng là lần thứ hai lượng băng ở Bắc Cực sụt giảm, kể từ khi những dữ liệu từ vệ tinh này được bắt đầu thu thập từ năm 1978.
Theo Copernicus, ngoài tháng 9, trong năm 2020 còn có hai tháng nóng kỷ lục so với cùng kỳ khác là tháng 1 và tháng 5.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã yêu cầu các quốc gia trên thế giới kìm hãm sự ấm dần lên toàn cầu ở mức 1,5 - 2 độ C.
Cho đến nay, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện nhiều hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn khi khiến nước biển dâng cao.
Theo dữ liệu của EU, kể từ cuối những năm 1970, nền nhiệt toàn cầu đã tăng lên 0,2 độ C mỗi thập kỷ. Tình trạng biến đổi khí hậu đã tăng tốc trong những thập kỷ gần đây, do lượng phát thải khí nhà kính ngày càng gia tăng tỷ lệ thuận với việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Trong số 20 năm qua, có tới 19 năm thế giới ghi nhận mức nhiệt kỷ lục, kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thống kê một cách chính xác vào cuối thế kỷ 19.
Một nghiên cứu công bố hồi tuần trước cũng cho thấy biến đổi khí hậu cũng đã làm gián đoạn các mô hình thời tiết trong khu vực.
Điều này thể hiện qua việc Mặt Trời rọi nắng nhiều hơn xuống dải băng Greenland, làm băng tan và "bổ sung" nước cho đại dương nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong 12.000 năm qua./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trai-dat-vua-trai-qua-thang-9-nong-nhat-trong-lich-su/173853.html