Trại gà Việt Nam đầu tiên đạt tiêu chuẩn xanh thế giới
Hệ thống xử lý nước thải, xử lý môi trường, xử lý phân, điện năng lượng tái tạo của trang trại nuôi gà đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh và ESG (môi trường - xã hội - quản lý vận hành) theo chuẩn mới nhất của thế giới.
Ngày 17/1, khu chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận được khánh thành.
Khu chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao giữa khu rừng tràm keo, được quy hoạch đồng bộ và xây dựng từ hệ thống đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải, xử lý môi trường, xử lý phân, điện năng lượng tái tạo đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh và ESG theo chuẩn mới nhất của thế giới.
Ông Lê Trọng Quốc - Trưởng ban quản lý dự án Mebi Farm - cho biết, trước đây, người dân ở đây chỉ trồng tràm (cây keo) vì đất bạc màu, để vào được khu vực này rất khó khăn. Năm 2021, sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý, Mebi Farm đã triển khai xây dựng khu chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao với quy mô 1,2 triệu gà đẻ và 400.000 gà hậu bị.
“Để phục vụ số lượng gà nuôi này, chúng tôi đã hoàn tất các công trình phụ trợ như trạm trộn thức ăn chăn nuôi, hệ thống xử lý phân, hệ thống thu gom và xử lý trứng… tất cả đều theo mục tiêu đó là truy xuất nguồn gốc, làm nông nghiệp xanh theo quy trình tuần hoàn và khép kín. Trên khu đất rộng hơn 70 ha, chúng tôi quy hoạch bài bản, đồng bộ để tất cả sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi đều không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật”, ông Quốc nói.
Việc chăn nuôi ở Mebi Farm hoàn toàn tự động, tất cả các khâu đều do robot vận hành, từ việc cho ăn, nước uống, cung cấp dinh dưỡng đến việc thu gom chất thải… Gà đẻ trứng sẽ được ở trong những căn phòng có nhiệt độ trung bình 26 - 28 độ C, gà ăn cám tươi được sản xuất trong ngày, uống nước UF (công nghệ lọc giữ khoáng, đảm bảo các giá trị dinh dưỡng tốt nhất trong nước uống cho đàn gà).
Hệ thống thu gom trứng sẽ được dây chuyền tự động đưa về trung tâm xử lý và đóng gói. Quản lý những nhà gà đẻ này là các kỹ sư công nghệ tự động. Từ khi quả trứng được đẻ ra đến khi ra đến siêu thị mua bán mới có… bàn tay con người chạm vào.
Theo ông Quốc, khi đi vào hoạt động, Mebi Farm cần khoảng 120 nhân sự lao động phổ thông ở vòng ngoài. Những người này thực các nhiệm vụ chăm sóc cây cảnh, rau sạch.
Ông Nguyễn Văn Ngà - Phó Tổng Giám đốc Mebi Farm - khẳng định, kinh tế xanh và số hóa quản lý doanh nghiệp hiện đang là xu hướng tất yếu của thế giới để phát triển bền vững.
“Chúng tôi đã triển khai đầu tư nông trại xanh thân thiện môi trường và quản lý vận hành bằng công nghệ số và thiết bị tự động hóa. Chúng tôi hướng đến là một doanh nghiệp xanh, từng bước hướng đến tiêu chuẩn ESG để doanh nghiệp có thể bay xa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Ngà nói.
Được biết, xã Tân Thắng (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vốn là vùng đất cằn cỗi, người dân chủ yếu dựa vào nghề sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng nhỏ lẻ. Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Công, chị Nguyễn Thị Hiên thuộc diện khó khăn của xã. Vì chăm lo cho hai con còn đang trong độ tuổi đến trường, với công việc chăm sóc cây cảnh theo dự án, nhiều khi dự án hoàn thành, chị lại phải tìm công việc mới. Vòng lặp cứ thế trôi qua cho đến khi Mebi Farm được khởi công xây dựng, giúp chị Hiên tìm được công việc đủ trang trải cuộc sống.