Trại hè Làng Háo Hức phí gần 10 triệu, dịch vụ thế nào?
Gây chú ý với mô hình giáo dục trải nghiệm và mức phí gần 10 triệu đồng, Làng Háo Hức đang khiến nhiều phụ huynh đặt câu hỏi về chất lượng thực tế.
Khi mùa hè đến, các trại hè kỹ năng trở thành lựa chọn được nhiều phụ huynh quan tâm, kỳ vọng là nơi con em có thể học hỏi, rèn luyện và trưởng thành. Trong số đó, Làng Háo Hức – mô hình trại hè do MC Minh Trang sáng lập – được quảng bá là “ngôi làng tuổi thơ” giúp trẻ sống gần gũi với thiên nhiên và phát triển kỹ năng sống.
Tuy nhiên, trái với những hình ảnh đầy hứng khởi thường thấy trên mạng xã hội, gần đây không ít phụ huynh đã lên tiếng phản ánh về những trải nghiệm không mấy tích cực khi cho con tham gia trại.
Phụ huynh phản ánh: con bị bắt nạt, mẩn ngứa, cơ sở vật chất chưa đảm bảo
Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước bài đăng của một phụ huynh tại Hà Nội sau khi cho con tham gia trại hè Làng Háo Hức – một mô hình giáo dục trải nghiệm nổi tiếng tổ chức tại Thái Nguyên.
Theo giới thiệu từ đơn vị tổ chức, trại hè Làng Háo Hức được xây dựng theo mô hình làng quê kết hợp thiên nhiên, dành cho trẻ từ 6–15 tuổi. Mục tiêu hướng đến giúp trẻ rèn luyện kỹ năng sống, phát triển toàn diện thông qua các hoạt động nông nghiệp, thủ công, trò chơi dân gian và sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế lại không giống với kỳ vọng.

Bài đăng chia sẻ về trải nghiệm của phụ huynh về trại hè đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng
Chị Chử Ngọc Ly – phụ huynh có con sinh năm 2015 tham gia chương trình 8 ngày 7 đêm tại Thái Nguyên (từ 26/6 đến 1/7) cho biết, chị đã đóng tổng cộng 18,7 triệu đồng cho 2 học sinh (gồm con trai mình và một bạn khác). Mức giá này đã bao gồm ưu đãi giảm phí.
Ban đầu, cả mẹ và con đều rất háo hức. Thế nhưng sau chuyến đi, chị Ly chia sẻ con trai mình trở về với nhiều vấn đề về sức khỏe và tâm lý.
“Trong thời gian ở trại, con bị nổi mẩn, ngứa toàn thân và không đi vệ sinh nặng suốt 8 ngày. Ngoài ra, con còn bị bạn trong trại bắt nạt, dẫn đến lo lắng và thu mình”, chị Ly phản ánh.
Chị cũng cho rằng khi đã lựa chọn mô hình làng quê, việc trẻ dính bùn đất là điều dễ hiểu, song những yêu cầu tối thiểu về vệ sinh – đặc biệt là khu vực nhà vệ sinh – vẫn cần được đảm bảo. “Mức phí gần 10 triệu đồng/trẻ không phải nhỏ, nhưng cơ sở vật chất chưa tương xứng”, chị nói.

Trong tin nhắn chung trao đổi giữa ban tổ chức và các phụ huynh có con tham gia trại hè, nhiều người phản ánh về vấn đề vệ sinh tại trại hè.
Không dừng lại ở đó, khi các phụ huynh góp ý trực tiếp với ban tổ chức và đội ngũ chăm sóc học viên, phản hồi nhận lại bị cho là “thiếu thiện chí, vòng vo” và “không thể hiện tinh thần tiếp thu hay cầu thị”. Điều này khiến nhiều người bày tỏ thất vọng vì trại hè từng được truyền thông quảng bá rầm rộ như một “ngôi làng tuổi thơ lý tưởng”.
Trong bài chia sẻ, chị Ly cũng nhấn mạnh rằng đây là trải nghiệm riêng của gia đình, nhưng chị lựa chọn công khai để các phụ huynh khác có thể tham khảo trước khi quyết định.
“Trại hè không phải nơi để ‘gửi con cho xong’. Trẻ con không tự bảo vệ được mình. Không có kỹ năng sống nào quan trọng hơn một môi trường an toàn, tôn trọng và có người lớn thật sự có trách nhiệm”, phụ huynh này viết.

Các bài đăng trên fanpage trại hè đang nhận về nhiều lượt phẫn nộ.
Hiện tại, bài đăng của chị Ngọc Ly vẫn đang lan truyền với hàng trăm lượt chia sẻ.
Đơn vị tổ chức nói gì?
Trước làn sóng phản hồi từ phụ huynh, mới đây đơn vị tổ chức trại hè Làng Háo Hức đã chính thức đăng bài giải trình trên fanpage chính thức. Trong đó, ban tổ chức lần lượt đưa ra phản hồi về các vấn đề được nhắc tới, bao gồm điều kiện vệ sinh, phòng chống côn trùng và an toàn thực phẩm.
Về cơ sở vật chất, đơn vị tổ chức thừa nhận đặc thù của trại là tọa lạc tại khu vực nông thôn, rộng lớn và nằm giữa thiên nhiên nên không tránh khỏi côn trùng như muỗi, kiến. Tuy vậy, họ khẳng định đã tiến hành xịt côn trùng định kỳ bằng chế phẩm sinh học tại các khu vực sinh hoạt, trang bị xịt cá nhân và màn ngủ đầy đủ cho từng học viên. Giáo viên và điều phối viên đều ngủ cùng trại sinh để quản lý và hỗ trợ kịp thời.
Về khu vực nhà vệ sinh, Làng Háo Hức cho biết mỗi phòng đều có nhà tắm, nước nóng lạnh và các sản phẩm tắm gội thiên nhiên, được vệ sinh 2 giờ/lần. Họ thừa nhận có hiện tượng mùi hôi vào giờ cao điểm nhưng nhân viên được phân công dọn dẹp ngay sau đó. Ban tổ chức cam kết sẽ tăng tần suất kiểm tra, bổ sung nhân lực và hướng dẫn thêm cho học sinh về cách sử dụng nhà vệ sinh có trách nhiệm.

Bài đăng trên fanpage chính thức của Làng Háo Hức tối 3/7, phản hồi các ý kiến phụ huynh sau loạt phản ánh về điều kiện sinh hoạt và quản lý trại hè.
Đáng chú ý, phía trại cho rằng những thiếu thốn về tiện nghi chính là một phần của bài học giáo dục. “Các con được trải nghiệm môi trường khác biệt để trân trọng và biết ơn những gì mình đang được hưởng thụ từ công sức cha mẹ, những điều tưởng chừng mặc định là có sẵn,” bài viết nêu rõ.
Về bữa ăn, đơn vị tổ chức nhấn mạnh rằng các món được chuẩn bị từ nguyên liệu địa phương, nuôi trồng theo hướng hữu cơ, chế biến ngay tại làng với thực đơn gửi trước cho phụ huynh. Thực đơn gồm bữa chính, ăn nhẹ, nước mát từ trái cây và không sử dụng đồ uống đóng chai hay thực phẩm công nghiệp.
Trước ý kiến cho rằng tiện nghi chưa tương xứng với mức phí, Làng Háo Hức lý giải: “Trải nghiệm ở trại hè thiên nhiên không thể như ở nhà hay resort, nhưng đó chính là cơ hội để các con học cách thích nghi, hiểu giá trị của những điều tưởng chừng hiển nhiên và thêm trân trọng nỗ lực của cha mẹ”.
Bài đăng của Làng Háo Hức đã nhận được hàng trăm lượt tương tác. Một số phụ huynh đánh giá cao cách đơn vị tổ chức giải thích cặn kẽ và thể hiện thiện chí tiếp thu. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng lý do “thiếu tiện nghi để rèn kỹ năng sống” là chưa thuyết phục, nhất là với mức phí lên tới 9–11 triệu đồng/trẻ. “Phụ huynh gửi con đi trại hè không phải để con chịu khổ, mà để các con được học tập trong môi trường an toàn, vệ sinh và được tôn trọng”, một ý kiến bình luận.
Trại Hè Làng Háo Hức, giá từ 5–11 triệu đồng/trẻ
Làng Háo Hức là mô hình trại trải nghiệm ra đời từ năm 2020, do MC Nguyễn Minh Trang (sinh năm 1987, Hà Nội) sáng lập. Minh Trang từng là gương mặt quen thuộc trên sóng VTV qua các chương trình như Tuổi đời mênh mông, Cà phê sáng, Bài hát Việt… Cô cũng là một trong những “hot mom” nổi bật với 4 con nhỏ, có học vị Thạc sĩ Truyền thông tại Pháp, từng giảng dạy marketing tại đại học.

MC Minh Trang cùng các cộng sự sáng lập nên mô hình giáo dục trải nghiệm Làng Háo Hức.
Năm 2022, Minh Trang gây chú ý khi tham gia chương trình Shark Tank với mô hình “Hộp Háo Hức” – dịch vụ hộp sách và đồ chơi giáo dục định kỳ, gọi vốn thành công 8 tỷ đồng. Làng Háo Hức được xem là bước tiếp theo trong hành trình phát triển giáo dục trải nghiệm của cô, lấy cảm hứng từ ký ức tuổi thơ bên ông bà ở quê nhà.

Hình ảnh trẻ tham gia trại hè. Ảnh Fanpage Làng Háo Hức
Trại hè chính được tổ chức tại xã Phúc Tân (nay là Đại Phúc), TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, trên diện tích hơn 14ha với sân đình, nhà tranh, vườn cây, rừng tre, ao cá và suối nhỏ. Trẻ được tham gia các hoạt động làm nông, nấu ăn, chơi dân gian, diễn kịch, thí nghiệm… trong một “xã hội thu nhỏ” không có thiết bị điện tử.
Trong hè 2025, Làng Háo Hức tổ chức trại ở hai địa điểm: Thái Nguyên và Vũng Tàu. Mỗi nơi có 4 chương trình trải nghiệm phù hợp theo độ tuổi, bao gồm:
Kho báu dân gian (4 ngày 3 đêm): trẻ 6–10 tuổi
Cờ lau tập trận (6 ngày 5 đêm): trẻ 7–13 tuổi
Mùa hè rực lửa (8 ngày 7 đêm): trẻ 7–13 tuổi (Thái Nguyên), 9–15 tuổi (Vũng Tàu)
Con về quê ngoại (3 ngày 2 đêm): chương trình mẹ con cho trẻ 5–8 tuổi

Hình ảnh BTC chia sẻ về những bữa ăn tại trại hè. Ảnh Làng Háo Hức
Mức giá công khai dao động từ 5–11 triệu đồng/trẻ, tùy theo độ tuổi và thời lượng. Chi phí đã bao gồm xe đưa đón, ăn uống, đồng phục, bảo hiểm, học cụ và toàn bộ chi phí trải nghiệm.
Website chính thức của trại giới thiệu đây là mô hình “giúp con trưởng thành cùng thiên nhiên”, rèn luyện kỹ năng sống, tư duy tài chính, ứng xử xã hội và tăng cường thể chất.
Một số phụ huynh từng cho con tham gia các năm trước đánh giá mô hình tích cực. “Con tôi vốn nhút nhát, sau trại về thì biết gấp quần áo, tự sắp xếp đồ đạc, kể chuyện rất hào hứng”, chị Thùy Linh (Hà Nội) chia sẻ. Tuy nhiên, các ý kiến gần đây cho thấy khi số lượng trại sinh tăng lên, công tác quản lý và vận hành cần được siết chặt hơn, nhất là khâu vệ sinh, an toàn và chăm sóc tâm lý trẻ.