Trải lòng của cô giáo sau 10 năm rời ngành: 'Tiếc nhưng không hối hận'
TRUNG QUỐC - 'Thế giới rộng lớn, tôi muốn đi trải nghiệm', là lý do viết trong đơn xin nghỉ việc của cô giáo Cố Thiểu Cường. Tròn 1 thập kỷ rời ngành, vừa qua, cô chia sẻ bản thân tiếc nhưng không hối hận.
Cô Cố Thiểu Cường sinh năm 1980 ở Trịnh Châu (Trung Quốc). Năm 2004, cô tốt nghiệp ngành Tâm lý học tại Đại học Sư phạm Hà Nam (Trung Quốc). Sau đó, đến tháng 7/2004, cô về Trường Trung học Thực nghiệm Hà Nam công tác. Thời điểm đó, đây là một công việc mơ ước của nhiều người, thế nhưng vòng lặp luẩn quẩn suốt 10 năm khiến cô bắt đầu cảm thấy chán nản và mệt mỏi.
Ngày 10/4/2015, trong chủ đề bài giảng Bức thư gửi tương lai, cô yêu cầu học sinh lớp 7 viết một bức thư cho chính mình 2 năm sau. Lúc này, cô vô thức nghĩ đến mình sau 20 năm. "Khi đó, tôi đã 55 tuổi, tức là tuổi nghỉ hưu". Cô đột nhiên nhận ra, cuộc sống ổn định, nhưng đây không phải là điều bản thân thực sự mong muốn và vẫn còn nhiều ước mơ chưa thành hiện thực.
"Công việc ở trường rất tốt, tôi dạy học sinh vừa có lý thuyết vừa có thực hành, những gì các em học được có thể áp dụng vào đời sống, học luôn đi đôi với hành. Điều đó khiến tôi hạnh phúc, nhưng cuộc sống cứ lặp đi lặp lại từ sáng đến tối, khiến tôi mệt mỏi. Tôi không thích đứng ở đầu ngõ mà có thể nhìn thấy hết cả cuộc đời mình nơi cuối con hẻm", cô giáo chia sẻ.
Do đó, kết thúc tiết học, 20 phút sau, cô quyết định viết đơn. Trong đơn xin nghỉ việc, cô chỉ ghi vài chữ: "Thế giới quá rộng lớn, tôi muốn đi trải nghiệm". Khi đó, đơn xin nghỉ của cô nhanh chóng lan truyền trên mạng, cũng có không ít ý kiến trái chiều. Người không hiểu sẽ nói quyết định của cô bốc đồng, tuy nhiên, gia đình và đồng nghiệp đều hiểu rõ tính cách của cô nên không ai phản đối.
"Quyết định nghỉ việc đến với tôi chỉ trong khoảnh khắc. Tôi đã lường trước được những điều tồi tệ nhất, nhưng vẫn phải làm. Thứ duy nhất tôi có không hẳn là dũng khí, mà là bản lĩnh đối mặt với cuộc sống. Dù ở đâu tôi cũng chịu được khổ, cũng có thể nhanh chóng hòa nhập với mọi người, sống được ở bất kỳ nơi nào, vì vậy tôi mới dám không ngừng tiến về phía trước", cô chia sẻ.


Cô Cố Thiểu Cường. Ảnh: Baidu
Sau 3 ngày xin nghỉ việc, cô mang theo số tiền tiết kiệm 11.000 NDT (khoảng 39,6 triệu đồng) để bắt đầu chuyến hành trình khám phá thế giới. Nơi đầu tiên cô có mặt là Thành Đô, rồi tiếp tục di chuyển đến Trùng Khánh, Hàng Châu, Thiệu Hưng và nhiều nơi khác. Đến đâu cô cũng hòa mình vào cuộc sống của người bản địa.
Đến tháng 10/2015, cô kết hôn với một người đàn ông ở Vân Nam (Trung Quốc). Sau đó, cả hai cùng mở homestay cho thuê. Một năm sau khi kết hôn, cô và chồng đón con gái đầu lòng. Đến năm 2019, tình hình kinh doanh homestay gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Lúc này, cô nhanh chóng chuyển sang livestream, tư vấn tâm lý trực tuyến để có thu nhập.
Cho đến nay, cô vẫn hoạt động tích cực trên mạng xã hội Trung Quốc, làm tư vấn tâm lý và giáo dục gia đình, thậm chí còn tham gia biểu diễn hài độc thoại. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Zhengguan News, vừa qua, khi được hỏi, có hối hận với quyết định năm xưa không, cô thẳng thắn trả lời: "Tôi tiếc nuối, nhưng tuyệt đối không hối hận".
Lá đơn xin nghỉ việc năm đó của cô đến nay vẫn còn trên Internet. Một số cư dân mạng cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi cô từ bỏ một vị trí được coi là "cây cầu mà hàng ngàn người đang cạnh tranh quyết liệt", với môi trường làm việc lý tưởng và thu nhập ổn định.
Trải lòng về điều này, cô cho hay: "Tôi không ghét nghề giáo viên, nhưng tôi cảm thấy làm giáo viên ở trường sẽ cản trở nhiều ước mơ của tôi. Thực tế, 10 năm qua, tôi vẫn gắn bó với con đường giáo dục gia đình và tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên".
"Mỗi người đều có một tiêu chuẩn về cuộc sống. Với tôi, công việc ổn định không được xếp ở vị trí quan trọng nhất. Cuộc sống mà tôi muốn, ước mơ, đó là sự tự do và một gia đình hạnh phúc", cô nói thêm.