Trải nghiệm bảo tàng, khơi nguồn cảm hứng 'Văn hay chữ tốt'
Sáng 8-2, tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, 150 học sinh đến từ các trường THCS trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã tham gia Cuộc thi 'Văn hay chữ tốt' lần thứ 23 năm học 2022-2023 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.
Theo ông Trần Tiến Thành, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), Hội thi "Văn hay chữ tốt" nhằm hướng đến việc tạo ra môi trường học tập, giao lưu, vui chơi cho các em học sinh THCS có đam mê sáng tạo văn chương và yêu thích nghệ thuật viết chữ.
Qua quá trình viết văn hay và rèn chữ đẹp, học sinh hình thành năng lực văn chương (nắm vững kỹ năng viết bài văn theo yêu cầu cụ thể, biết sử dụng ngôn ngữ một cách nghệ thuật, vận dụng các phương thức biểu đạt và thao tác lập luận để viết văn) và phát huy các phẩm chất tốt đẹp.
Năm nay, điểm cho phần thi "văn hay" là 12 điểm, yêu cầu "chữ tốt" chiếm 8 điểm trong tổng điểm số toàn bài. Trong đó, học sinh cần viết chữ đẹp, rõ ràng, cân đối, thể hiện được nét riêng, sáng tạo trong nghệ thuật viết chữ.
Một trong những điểm mới của hội thi năm nay là có 2 hoạt động gồm tham gia trải nghiệm ở bảo tàng và thực hiện bài thi phát huy tính sáng tạo.
Ở hoạt động trải nghiệm, học sinh được tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM nhằm giúp các em hiểu hơn về lịch sử, nhìn nhận giá trị lịch sử theo góc nhìn riêng của tuổi trẻ, từ đó có dữ liệu làm tốt đề thi ở phần hoạt động sáng tạo.
Năm nay, hội thi có sự kết nối giữa hai môn học Lịch sử và Ngữ văn, góp phần khơi nguồn cảm hứng sáng tạo văn chương thông qua những trải nghiệm, quan sát, thể hiện góc nhìn lịch sử của thế hệ trẻ.
Ở cả 2 đề thi khối 6, 7 và 8, 9 cùng có một câu hỏi giống nhau là "Nếu được chọn một sự kiện, đồ vật hoặc hình ảnh về tuổi trẻ TPHCM hôm nay để đặt vào bảo tàng nhằm giúp thế hệ sau hiểu thêm về thế hệ trẻ ngày nay thì em sẽ chọn sự kiện hoặc đồ vật, hình ảnh nào? Vì sao em chọn như vậy?".
Ngoài ra, với đề thi khối 8, 9, học sinh được yêu cầu viết bài văn với chủ đề "Lịch sử trong tôi là..."; riêng ở khối 6, 7 học sinh được yêu cầu viết bài văn với chủ đề "Những hình ảnh ấn tượng trong tôi" sau buổi tham quan, trải nghiệm ở bảo tàng.
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), trong thời đại công nghệ số, các thiết bị, phần mềm công nghệ phát triển rất nhanh nhưng học sinh cần phát triển những giá trị riêng của bản thân, trong đó có kiến thức và kỹ năng "thật" để hội nhập và phát triển.
Đối với thí sinh Phạm Thái Bảo, học sinh lớp 7A3, Trường THCS Bình Khánh (huyện Cần Giờ), đây là lần đầu tiên em được đến bảo tàng nên cảm thấy rất vui khi được hiểu hơn về lịch sử nước nhà. "Em ngạc nhiên trước phần giới thiệu của robot thông minh, cảm thấy tự hào về lịch sử Việt Nam với nhiều anh hùng đứng lên trong suốt chiều dài hơn 1.000 năm Bắc thuộc".
Thái Bảo cho biết do nhà xa nên sáng nay em rời nhà từ 5 giờ 30 sáng, cảm xúc hân hoan, rất háo hức tham gia cuộc thi.
Tương tự, với Trần Thị Minh Thư, học sinh lớp 8TC1, Trường THCS Chánh Hưng (quận 8), học trên lớp kiến thức được giới thiệu khá trừu tượng. "Hôm nay em được đến bảo tàng, trực tiếp nhìn thấy mô hình mô phỏng trận chiến trên sông Bạch Đằng giúp em nhớ kiến thức lâu hơn", Minh Thư cho biết.
Từ bậc tiểu học, nữ sinh này đã rèn chữ đẹp và mong muốn phát huy kỹ thuật này ở các bậc học cao hơn. Để chuẩn bị cho cuộc thi, em đã nỗ lực phát triển vốn từ của mình qua sách báo, tác phẩm văn học và rèn kỹ năng viết văn.
Với Lại Hoàng Ngọc, học sinh lớp 7/1, Trường THCS Lê Lợi (quận 3), bảo tàng giúp thế hệ trẻ nhìn lại những cổ vật, chứng tích lịch sử để hiểu hơn về quá khứ chiến đấu oai hùng cũng như những giá trị lịch sử đáng tự hào cha ông đã truyền lại, từ đó yêu thích bộ môn Lịch sử hơn.
Riêng với bạn Võ Ngọc Minh Châu, lớp 9A5, Trường THCS Qui Đức (huyện Bình Chánh), cuộc thi rất ý nghĩa vì mang lại cho em những phút giây trải nghiệm quý báu, hiểu hơn về các cột mốc lịch sử của dân tộc.
Ngoài ra, Minh Châu cho biết bản thân đặc biệt yêu thích nghệ thuật viết chữ đẹp vì thông qua nét chữ, em có thể thể hiện cá tính, khả năng sáng tạo của mình.