Trải nghiệm cảm giác không bóng người ở nơi từng là sào huyệt cướp biển
Đặt chân lên quần đảo Hải Tặc nơi từng là căn cứ của cướp biển trong quá khứ, mà không muốn gặp khách du lịch? Chúng tôi thử trải nghiệm đảo vắng không bóng người này.
Chúng tôi mua vé lên tàu từ bến tàu Hà Tiên để ra quần đảo Hải Tặc (xã Tiên Hải, TP.Hà Tiên, Kiên Giang). Mỗi ngày có nhiều chuyến tàu khách từ đất liền ra xã đảo Tiên Hải nên khá đông khách du lịch, hứa hẹn ngoài đảo xôn xao, tấp nập người.
Tàu cập bến Bãi Nam của Hòn Đốc, đảo lớn nhất trong nhiều đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Hải Tặc. Đây cũng là đảo có dân cư sinh sống đông nhất, khách du lịch chủ yếu "đổ bộ" vào đây, tham quan, tắm biển, thưởng thức hải sản, sau đó có thể tỏa đi tiếp các đảo nhỏ khác.
Đúng dự liệu, vừa bước chân lên đảo, nói như phương ngữ miền Tây, thấy "nhóc" (rất nhiều) khách du lịch. Sau vài "thủ tục" quen thuộc khi đến vùng đất lạ, quan sát, chụp ảnh, chúng tôi quyết định nhắm hướng lang thang tìm những chỗ không có ai ngoài mình.
Dịch vụ du lịch trên đảo chưa phát triển, ít nơi lưu trú, hiếm nước ngọt, nhưng không vì vậy mà vắng khách. Nhiều người muốn tìm cảm giác vắng vẻ, yên tĩnh ở đảo xa nên mới lặn lội ra đây. Việc tìm những nơi cho cảm giác gợi nhớ sào huyệt của hải tặc nhiều thế kỷ trước, dễ mà khó.
Anh Nguyễn Văn Huệ, cư dân xã đảo Tiên Hải, cho biết cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình anh kiếm thêm thu nhập bằng quán nước giải khát, cho du khách thuê xe máy, xe đạp. Theo anh, khách du lịch ra đảo Hải Tặc thường đông vào dịp cuối tuần, trong mùa biển đẹp. Anh mách cho chúng tôi những chỗ vắng người để "chụp ảnh cho lạ".
Chỉ cần rời xa những điểm có các nhóm khách ăn uống hoặc tắm biển ồn ào, không gian bắt đầu mở ra dấu hiệu cho thấy bóng dáng của hoang đảo xa xưa.
Ở một eo biển vắng, vừa qua khúc quanh, bỗng đập ngay vào mắt cái cây lớn không còn chiếc lá nào. Không rõ cây đã chết hay đang lột vỏ, thay lá, những cành khô giơ lên như nhiều ngón tay bấu vào trời xanh, gây cảm giác hoang dại.
Thỉnh thoảng trên đường đi, hiện ra một số lán nhỏ, căn chòi rách nát trong nắng gió biển. Đây là những điểm bán nước giải khát, hải sản cho khách du lịch, hoặc chỗ cung cấp ngư lưới cụ của người dân. Sau thời gian không sử dụng, những hạng mục này không được dọn dẹp, bị bỏ phế đi.
Trong ảnh là lồng bè nuôi cá bớp hoặc cá mú, cá chẽm, đã ngưng hoạt động. Ở khu vực bờ biển trung tâm xã đảo, hoạt động nuôi cá lồng bè khá nhộn nhịp, nhưng ở những bờ biển xa hơn, nhiều lồng bè chỉ còn bộ khung xơ xác, dập dềnh trên mặt nước.
Trên đường tìm chỗ tránh người, có lúc chúng tôi vẫn gặp du khách, coi như gặp "âm mưu" trốn đám đông giống mình. Có lúc là nam du khách chạy xe máy một mình khám phá quanh đảo, khi thì thấy nhóm khách nữ chịu khó đi xa để tìm không gian khác lạ để chụp ảnh kỷ niệm.
Nơi có chiếc cầu gỗ đặt trên những thùng phao từ đảo lớn bắc qua cồn đá nổi gần bờ, khi chúng tôi đến cũng không bóng người. Điểm này hơi xa trung tâm xã đảo, nhiều người đến hóng gió, chụp ảnh check-in. Nhưng lúc này, không gian vắng vẻ, chỉ có những con sóng tung bọt trắng xóa vỗ mạnh lắc lư cầu phao.
Chiếc xe máy thuê chạy loanh quanh chưa được bao lâu thì cũng đến lúc giáp vòng đảo. Chúng tôi lại trở về với không khí đông vui của không gian du lịch.
Trong ảnh, nhóm bạn trẻ của một công ty từ TP.HCM, chụp ảnh selfie trên mỏm đá gần bờ. Việc tách khỏi đám đông tìm khoảnh khắc lặng yên là việc của sở thích cá nhân, còn câu chuyện du lịch nói chung, thì rõ ràng, khách phải càng đông càng tốt.
Quần đảo Hải Tặc gồm 18 hòn đảo thuộc xã Tiên Hải, trong đó Hòn Đốc, hay còn gọi là Hòn Tre Lớn, là nơi đặt trụ sở cơ quan hành chính và tập trung đông dân cư nhất.
Trên Hòn Đốc vẫn còn lưu giữ cột mốc ghi tên quần đảo Hải Tặc được xây dựng từ hàng chục năm trước. Người dân ngày nay vẫn kể lại nguồn gốc của cái tên Hải Tặc, theo đó từ thế kỷ 18, nhiều nhóm cướp khét tiếng hoành hành trên vùng biển này và chọn các hòn đảo làm căn cứ… Về sau, các nhóm hải tặc vì nhiều lý do khác nhau, không còn hoạt động trên vùng biển giáp biên này.
Bài, ảnh: Trí Minh