Trải nghiệm cận tử của một bác sĩ thần kinh Mỹ
Eben Alexander cho biết những gì mà ông đã trải qua đã giúp ông nhận ra rằng cái chết của cơ thể và bộ não không đồng nghĩa với sự chấm dứt của ý thức.
Trong cuốn Minh chứng thiên đường (tựa gốc: Proof of Heaven), Eben Alexander - tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật thần kinh có hơn 20 năm kinh nghiệm, trong đó có 15 năm làm việc tại đại học y khoa Harvard - đã thuật lại trải nghiệm cận tử của chính mình.
Một chuyến tham quan lạ lùng
Vào ngày 10/11/2008, Eben Alexander khi đó 44 tuổi đã mắc phải một chứng bệnh viêm màng não hiếm gặp khiến ông hôn mê liên tục trong 7 ngày. Trong suốt thời gian đó, toàn bộ phần vỏ não mới của ông - tức bề mặt ngoài của não tạo nên nhận thức và tư duy con người chúng ta - hoàn toàn ngưng hoạt động.
Eben Alexander cho biết khi bộ não không hoạt động, chúng ta không hiện hữu. Qua nhiều năm trong vai trò một bác sĩ giải phẫu thần kinh, ông đã nghe nhiều câu chuyện về những trải nghiệm lạ thường mà nhiều người đã trải qua, thường là sau khi tim ngừng đập; những câu chuyện kể về trải nghiệm đi đến những nơi huyền bí có phong cảnh tuyệt vời; trò chuyện với những người thân đã qua đời trước họ, thậm chí có người đã gặp được đấng tối cao của họ.
Nhưng Eben Alexander nghĩ tất cả trải nghiệm đó chỉ đơn thuần là tưởng tượng và nó xuất phát từ bộ não. Toàn bộ nhận thức từ đó mà ra, nếu não chúng ta không hoạt động chúng ta không thể nhận thức.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian bị hôn mê, não đã ngừng hoạt động hoàn toàn, Eben Alexander lại có một trải nghiệm cận tử. Ông kể mình bước vào một thế giới ý thức tồn tại độc lập khỏi những giới hạn của bộ não vật lý.
Tác giả sách cho biết những gì mà ông đã trải qua đã giúp ông nhận thấy cái chết của cơ thể và bộ não không đồng nghĩa với sự chấm dứt của ý thức, rằng trải nghiệm của con người vẫn tiếp tục diễn ra sau cái chết. Và sự trải nghiệm đó giống một chuyến tham quan lạ lùng qua các cõi giới.
Cũng giống nhiều người tỉnh dậy sau khi chết đi sống lại, Eben Alexander đã miêu tả về các “không gian” mang những nét màu siêu thực khác nhau mà ông đã nhìn thấy, hay “đi qua” trong chuyến tham quan này.
Tiếp đó là những khung cảnh sống động, choáng ngợp tựa trong những giấc mơ hay các bộ phim giả tưởng, hay đó là ánh sáng tinh khiết, là một miền đồng quê xanh mướt, mênh mông hay một thiên đường toàn mây… Rồi có nơi thì tăm tối, có nơi thì rực rỡ, hệt như những “cõi giới” khác nhau với nhiều tầng và cấp bậc - những vũ trụ đang tồn tại song song với thế giới con người.
Trong “chuyến tham quan” đó, Eben không nhớ mình là ai, không nhận ra những người thân đã khuất hay nhìn thấy những hồi ức xưa cũ; mà tràn ngập trong ông là “một thứ cảm giác phi thời gian, phi biên giới”, ông thấy mình chỉ đơn thuần là “một điểm ý thức đơn độc giữa một đại dương bên ngoài giới hạn thời gian”.
Sau những ngày hôn mê, tác giả sách kể lại rằng cảm thấy mình như được “về nhà”, được quay về với bản thể đích thực của mình, được yêu thương vô điều kiện và hòa làm một với toàn thể vũ trụ…
Tình yêu là nền tảng của mọi thứ
Không chỉ kể lại "chuyến tham quan" lạ lùng qua các cõi giới với một thái độ tự phản biện nghiêm khắc của một nhà khoa học cùng sự đối chiếu với trải nghiệm cận tử của nhiều người khác, trong cuốn sách, Eben Alexander còn cho biết chính trải nghiệm cận tử đã giúp ông chữa lành những tổn thương trong quá khứ và giúp ông trân trọng cuộc sống này hơn.
Trong cuốn sách Eben Alexander đã có những tự thuật về quá khứ và gia đình của mình - được ông kể đan xen trong suốt tác phẩm.
Vốn là một bác sĩ thành đạt, có gia đình luôn yêu thương, đồng hành - nhưng vì một biến cố tuổi thơ, sâu trong lòng Eben Alexander luôn có cảm giác bị bỏ mặc, bị cho đi, cảm giác là “một người hoàn toàn không được mong muốn”.
Nhưng qua những trải nghiệm cận tử, “đứa trẻ bị chối bỏ” trong ông được thuyết phục hoàn toàn rằng nó được chấp nhận và yêu thương vô điều kiện - bởi mọi người thân của mình và bởi chính “sự hiện hữu thiêng liêng”.
“Tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện mà tôi đã nếm trải trong hành trình của mình là khám phá quan trọng nhất của tôi cho đến bây giờ và mãi về sau”, Eben viết trong cuốn sách .
Và vị tiến sĩ này cho rằng: "Rõ ràng, tình yêu là nền tảng của mọi thứ. Không phải là tình yêu kiểu trừu tượng, khó hiểu; là tình yêu thương mà ta thấy hàng ngày - tình yêu mà cảm thấy khi nhìn vợ nhìn chồng mình, hay các con, các loài vật. Ở dạng thuần khiết và mạnh mẽ nhất, tình yêu cũng không ghen tuông hay ích kỷ. Đây là thực tế của mọi thực tế, là chân lý của mọi chân lý, vượt lên mọi hiểu biết về vẻ đẹp của chúng ta. Tình yêu ấy sống ở phần cốt lõi của vạn vật hiện hữu trong hiện tại và cả tương lai".
Chia sẻ này của Eben Alexander phần nào cho thấy mối liên hệ hay nói cách khác là “điểm chạm” giữa những giả thuyết tâm linh với những vấn đề gần gũi, thiết thân nơi nội tâm con người. Như chính thông điệp ông lĩnh hội được: Có một sự hiện hữu vô hình, không xa lạ, một vũ trụ rộng lớn bao la mà chúng ta vốn thuộc về, và mỗi người có thể được chữa lành trọn vẹn khi khám phá ra thế giới đó.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trai-nghiem-can-tu-cua-mot-bac-si-than-kinh-my-post1414632.html