Trải nghiệm của chàng trai hoãn thi đại học làm tình nguyện viên

Tôi ghi danh tham gia một chương trình tình nguyện tại nước ngoài của chính phủ dành cho thanh niên.

Toàn bộ những sự hiểu biết của tôi về việc giảng dạy ngoại ngữ đều là do tôi lĩnh hội được ở Lithuania.

Hồi đó là năm 1998. Lúc này tôi 19 tuổi, chưa sẵn sàng để bước chân vào cổng trường đại học, trong đầu là những ý tưởng ngao du đây đó và trong tim là những ý định thiện lành.

Tôi ghi danh tham gia một chương trình tình nguyện tại nước ngoài của chính phủ dành cho thanh niên. Tôi có thể được cử tới Ba Lan để trông trẻ, một cậu bé tên Mateusz hay một cô bé tên Weronika nào đó; hoặc tới một bệnh viện ở Nga đang thiếu người giữ hồ sơ; hoặc tới rửa bát đĩa trong một khách sạn nằm ở đâu đó tại Cộng hòa Czech; hoặc tới đại sứ quán Anh ở Slovenia đang cần người trực quầy tiếp tân.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Mikhail Nilov/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Mikhail Nilov/Pexels.

Nhưng rốt cuộc tôi được cử đến thành phố Kaunas của Lithuania. Mặc dù tôi không biết tiếng Lithuania, nhưng dường như điều này không quá quan trọng. Có vẻ như một chàng trai trẻ người Anh với trình độ tiếng Pháp và tiếng Đức ở mức tạm chấp nhận (tiếng Lithuania hoàn toàn không có mối liên hệ nào với hai thứ tiếng này) hoàn toàn có thể dạy cho người dân sở tại đang tìm kiếm việc làm và háo hức muốn học tiếng Anh.

Tôi vẫn nhớ chuyến bay từ London tới thủ đô Vilnius của Lithuania ngày ấy. Cái cảm giác cất cánh ấy. Cảm giác được di chuyển bằng máy bay! Trước đó, gia đình tôi chưa có ai từng được đi máy bay cả. Thi thoảng, bố bảo tôi, “Đầu óc cứ để trên mây ấy”. Thế mà lúc này đây, những lời bố nói vốn chỉ là một cách biểu đạt nay đã trở thành hiện thực.

Trong các chương trình thời sự của phương Tây, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đều hiện lên trước mắt chúng tôi xám xịt, hoang tàn và Nga hóa như nhau. Nhưng đất nước Lithuania mà tôi đến lại có lý do để lạc quan. Dân số ở đây vẫn trẻ, đây đó đang mọc lên những tòa nhà mới sáng sủa, và phong tục tập quán của người Lithuania vẫn tiếp tục tồn tại.

Phải mất thời gian để thích nghi và tiếp nhận những điểm dị biệt nho nhỏ. Tháng 10 ở London vẫn là tiết trời thu, nhưng cái lạnh giá ở Kaunas khiến tôi nghĩ đến mùa đông của nước Anh. Lúc này tuyết đã sắp rơi. Tiếp đến là loại tiền tệ hay ho mà họ dùng để trả trợ cấp tình nguyện viên cho tôi, đồng litas.

Nhưng điều kỳ lạ nhất trong những buổi ban đầu ấy là ngôn ngữ - nó khác với âm thanh và tiết tấu của bất kỳ ngôn ngữ nào mà tôi từng nghe. Một cụ già sống cùng khu chung cư gặp tôi ở cầu thang và giữ tôi lại để nói điều gì đó nghe có vẻ rất hay và du dương - cụ nói gì thế nhỉ? Lũ trẻ hát trên phố - bài hát đó nói về điều gì vậy? Không kém phần khó hiểu là những dòng tiêu đề và chú thích trên những tờ báo in mực đen. Trông chúng giống như một loại mật mã vậy. Tôi thật muốn giải mã chúng quá!

Một người phá giải mật mã. Nhưng bộ công cụ học tiếng Lithuania mà nhân viên của chương trình tình nguyện viên phát cho tôi lại rất nhỏ. Khi nằm trong những bàn tay thiếu kinh nghiệm, bộ công cụ này - thực ra tất cả chỉ bao gồm một cuốn từ điển bỏ túi có kích cỡ tương đương với một bộ bài tây và một cuốn sách ghi các câu nói thường gặp – có lẽ sẽ không phát huy được nhiều tác dụng, bởi vì không có điểm gì để trí tưởng tượng bám víu cả.

Daniel Tammet/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/trai-nghiem-cua-chang-trai-hoan-thi-dai-hoc-lam-tinh-nguyen-vien-post1494456.html