Trải nghiệm cuộc sống… nguyên thủy

Mệt mỏi với cuộc sống xô bồ ở chốn thị thành ồn ào, đông đúc, nhiều người tìm lối thoát bằng cách lên rừng trải nghiệm cuộc sống nguyên thủy, học hỏi kỹ năng từ tổ tiên loài người như săn bắn, hái lượm, tắm suối, ngủ trên cây…

Nhà trên ngọn cây

Nhà trên ngọn cây

Tiết lộ bất ngờ sau chuyến đi săn

Sau bao lần lỡ hẹn, anh Nguyễn Văn Hiệp (chủ cửa hàng điện máy) cùng cô con gái Phương Uyên (22 tuổi), mới rời TP.HCM lên Tây Nguyên một chuyến. Từ sân bay Liên Khương, chúng tôi đi ô tô vượt quãng đường hơn 20 km để đến khu du lịch dưới chân núi Voi ở hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt). Sau đó, chúng tôi đi bộ rẽ vào con đường đất đỏ, băng qua khe suối để đến khu du lịch dã ngoại lọt thỏm giữa rừng thông.

Leo lên ngôi nhà sàn vách nứa, lợp tranh, chúng tôi nằm xoài trên chõng tre, nhắm mắt lại, tận hưởng làn gió mát rượi ùa qua cửa liếp, nghe tiếng thông reo vi vu. Sàn nhà được làm bằng gỗ thông tỏa mùi hương thoang thoảng. “Hương vị núi rừng dễ chịu quá!”, Uyên nói như reo. Anh Hiệp cũng tươi cười rạng rỡ, các nếp nhăn trên mặt như giãn ra. Hơn 30 năm qua, anh dành toàn bộ tâm sức cho công việc. Nay con gái út vừa tốt nghiệp đại học nên anh muốn tìm đến chốn thanh bình để thư giãn. Đây cũng là cơ hội để gần gũi con cái, bởi thời gian qua, mải lăn lộn ở chốn thương trường, anh đã không dành nhiều thời gian cho con.

Khi anh Hiệp nói biết bắn cung, cựu chiến binh Nguyễn Đức Phúc khuyên chúng tôi nên đi săn. “Đừng xúi dại bác ơi. Săn thú rừng là vi phạm pháp luật đó!”, tôi buộc miệng nói. “Chỉ săn gà, săn thỏ thôi mà. Khu này được phép săn bắn”. Ông Phúc trấn an. Chúng tôi mang cung tên, dò dẫm bước theo K’Luynh, chàng trai người K’Ho. Trái với bước chân ngày một nặng nề của chúng tôi, chàng thợ săn với mái tóc xoăn lãng tử vẫn từng bước êm ái, rón rén luồn lách qua từng nhánh cây khô để tránh phát ra tiếng động. K’Luynh bước nhẹ nhàng, uyển chuyển hệt như sự chuyển động của chúa sơn lâm khi rình mồi.

Bất chợt một tiếng “phựt” phá tan bầu không khí tĩnh lặng, mũi tên lao vút đi và ngay sau đó là tiếng kêu của con thú. Anh Hiệp lao theo K’Luynh, hớn hở mang về con thỏ trắng. Khi mặt trời xuống núi, chúng tôi quay về với chiến lợi phẩm là một con thỏ và chú gà trống. Cánh đàn ông xăng xái lột da thỏ, nhổ lông gà chuẩn bị cho cuộc nhậu. Riêng Uyên quay mặt sang hướng khác, dường như cô gái hối hận vì trót tham gia cuộc săn thú hoang dã. Như hiểu tâm tư cô gái trẻ, K’Luynh tiết lộ: “Chuyến đi săn vừa rồi thật ra chỉ là “cuộc chơi” thôi. Thỏ và gà là do khu du lịch nuôi theo kiểu bán hoang dã rồi thả vào rừng trước mỗi cuộc đi săn của du khách!”. Nghe thế, Uyên vui vẻ trở lại, nhặt mớ rau rừng vừa hái mấy tiếng trước để chuẩn bị bữa tối.

Qua đêm trên ngọn cây

Chúng tôi gói thực phẩm vào lá chuối, cho vào gùi rồi theo ông Phúc đến khoảnh rừng cách đó khoảng 1 km. Nhìn theo tay của ông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy cái chòi trên ngọn cây cao chót vót. “Đêm nay các bạn sẽ liên hoan và ngủ trên đó”, ông cười bảo. Theo những bậc thang bằng thanh gỗ rừng, chúng tôi leo lên chòi, bày thịt nướng, rau rừng ra. Chóe rượu cần cũng được khai mở với những nghi thức trang trọng của người K’Ho. Lần lượt từng người vít cong cái cần trúc nhấm nháp loại rượu (với men làm bằng cây rừng) ngon ngọt, thơm nồng nhưng có thể khiến thực khách chếnh choáng, say lúc nào không hay. Lâng lâng giữa đêm rừng, K’Luynh ngẫu hứng mang khèn môi ra thổi. Những thanh âm dìu dặt lan tỏa trên đỉnh núi Voi huyễn hoặc.

Ném lao săn thú ảnh: Krajăn Plin

Ném lao săn thú ảnh: Krajăn Plin

Dẫu bắn cung giỏi nhưng K’Luynh không dám nhận là thợ săn thiện xạ. “Những người thuộc lứa ông bà, cha chú của mình mới là thợ săn nức tiếng”, anh nói rồi kể: Thuở đó, buôn làng lọt thỏm trong thung lũng ba bên bốn bề là rừng, nơi trú ngụ của gấu, hổ, nai, bò tót, heo rừng… Dân làng chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, săn bắn, hái lượm nên hầu như nhà nào cũng có người đi săn, dòng họ nào cũng biết rèn sắt để làm lao, cung, tên. Các mũi tên sắc nhọn thường được bọc bằng đồng hoặc sắt để tăng độ sát thương.

Già làng Krajăn Plin (người K’Ho) kể đàn ông trong làng thường tập họp lại để cùng đi săn, số người tham gia nhiều hay ít tùy theo bầy thú mà họ đoán định. Sau khi phát hiện nơi ẩn nấp của bầy thú, toán thợ săn “dàn quân” thành hình tròn, dùng mõ khua để dồn chúng lại. Khi vòng vây đã thít chặt bầy thú, những người dũng cảm nhất sẽ được lựa vào vòng trong, tay lăm lăm cây lao. Gặp những con thú lành tính như nai, hoẵng thì quá dễ dàng, nhưng khi săn những loài hung dữ như heo hoặc trâu rừng, “cuộc chiến” sẽ rất khốc liệt. Đối diện với bầy thú lồng lộn như điên dại để tìm lối thoát, người ở vòng trong phải chủ động chọn cơ hội để diệt chúng, nếu sơ suất hoặc thiếu kinh nghiệm có thể mất mạng.

Dẫu thú rừng thuở đó nhiều vô kể nhưng người Tây Nguyên có quy ước chặt chẽ: chỉ giết thú vừa đủ ăn; không bao giờ giết cả bầy thú; không được săn bắt những con thú nhỏ hoặc thú đang mang thai. Dẫu là thợ săn thiện xạ cũng chỉ được giết số lượng thú nhất định, khi đã đạt đến ngưỡng quy định thì năm đó phải tự giác ngừng săn bắt. Sau mỗi cuộc săn, già làng bao giờ cũng làm lễ cúng và thưa với Yàng (thần linh tối cao) rằng: “Dân làng chỉ xin Yàng vừa đủ. Ai giết hết giống của Yàng thì xin hãy trừng phạt”.

Theo các già làng K'Ho, trâu của Lang Biang (vùng giáp ranh với Đà Lạt) là loại trâu có vóc dáng khủng nhất Việt Nam, được dân làng thả vào rừng để tự sinh, tự dưỡng. Chúng phải tự kiếm ăn, chống chọi với thú dữ; đấu với những đàn trâu khác để giành đồi cỏ nên nhiễm bản năng tự vệ của loài thú hoang, mà cũng có thể bản năng hoang dã di truyền từ thuở xa xưa trỗi dậy. Sau nhiều năm, chúng dường như đã thành trâu rừng, rất dữ tợn, có thể tấn công người. Ngay cả gia chủ cũng khó tiếp cận với chúng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phúc nói sau nhiều năm hoạt động cách mạng ở núi Voi, ông cũng có phản xạ như người K’Ho: Hễ đến mùa săn là trỗi dậy cái thú được hòa mình vào thiên nhiên hoang dã. Nhờ vậy, ông nghĩ ra loại hình du lịch săn bắn ở Tây Nguyên. Sau khi được ban ngành chức năng cho nhập súng săn loại nhẹ từ Pháp về, ông mua những loài thú nuôi theo kiểu bán hoang dã của người K’Ho lợn, gà, thỏ, đặc biệt là trâu Lang Biang… rồi thả vào rừng cho du khách săn bắn. Ngoài ra, ông còn tổ chức cho khách đi săn bằng cung tên.

Lửa ấm đêm rừng

Lửa ấm đêm rừng

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, nguyên giám đốc Sở Du lịch & Thương mại Lâm Đồng, cho hay ông Nguyễn Đức Phúc là người đi tiên phong trong loại hình du lịch này, vừa hấp dẫn du khách, vừa không phạm luật, không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên. Vấn đề là ngành chức năng phải quản lý chặt chẽ, tránh để xảy ra tai nạn hoặc lạm dụng săn bắt thú hoang dã.

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/trai-nghiem-cuoc-song-nguyen-thuy-1795793.tpo