Trải nghiệm du lịch bảo vệ rừng
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có chuyến khảo sát tuyến du lịch tuần tra bảo vệ rừng từ khe Ru đến thác 3 tầng (thuộc khu vực rừng đặc dụng - Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh), hướng đến kế hoạch bảo vệ, quản lý rừng tốt hơn và tạo sinh kế cho người dân sống phụ thuộc vào núi rừng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển loại hình du lịch, bởi rừng nguyên sinh đẹp và lòng hồ thủy điện giàu tiềm năng. Nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước bạn Lào với diện tích vùng lõi hơn 93.000ha và trên 108.000ha vùng đệm.
Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh được ghi nhận có đến 831 loài thực vật bậc cao, trong số đó có 23 loài hữu dụng và 38 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Hệ động vật rừng của khu bảo tồn này cũng rất đa dạng với danh mục gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư... Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ xâm phạm đến rừng, xâm hại tài nguyên khoáng sản của khu vực nên tỉnh Quảng Nam đã có rất nhiều quyết sách tập trung bảo tồn khu rừng Sông Thanh.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ mở tour du lịch từ khe Ru đến thác 3 tầng, hướng đến kế hoạch bảo vệ, quản lý rừng tốt hơn. Ông Trần Văn Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Cù Lao Chàm cho biết, tour du lịch này mang tính chất sinh thái, đột phá. Đặc biệt, du khách nước ngoài sẽ rất thích về với thiên nhiên.
“Chính quyền tỉnh Quảng Nam mở ra một cơ hội mới phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ rừng kết hợp tạo công ăn việc làm cho đồng bào. Đây là một việc làm ý nghĩa nhân văn, nâng cao ý thức giữ rừng cho người dân. Cần xây dựng một sản phẩm du lịch thật tốt, ý nghĩa với sự kết nối từ đồng bằng lên miền núi tạo hệ sinh thái trải dài kết hợp trải nghiệm thực tế", ông Khoa đánh giá.
Từ trị trấn Thạnh Mỹ, du khách đi về hướng Tây dọc theo quốc lộ 14D khoảng 30km đến Trạm bảo vệ rừng Khe Vinh, sau đó xuống bến thuyền đi khoảng 15 phút trên sông Thanh và cập bến vào Trạm bảo vệ rừng Khe Ru là có thể bắt đầu hành trình trải nghiệm du lịch bảo vệ rừng.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: “Tour du lịch cũng nhằm đánh giá hiện trạng rừng, du khách sẽ chứng kiến việc tháo dỡ bẫy thú rừng của lực lượng bảo vệ rừng, xử lý các tình huống đẩy đuổi các đối tượng xâm hại rừng. Qua đợt khảo sát sẽ rút ra được những kinh nghiệm hoàn thiện sản phẩm để chuyển tải ra ngoài. Sự chung tay của các đơn vị lữ hành, công ty du lịch là rất cần thiết”.
Hiệu quả bước đầu từ việc tăng cường công tác tuần tra, chốt chặn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh của Quảng Nam đã đem lại tín hiệu khả quan, đầy tích cực trong việc giữ môi trường sinh thái và ngăn chặn tình trạng khu bảo tồn bị xâm hại như trước đây. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực cho công tác chốt chặn vẫn còn thiếu so với yêu cầu bảo vệ tại khu vực này. Hơn nữa, nguồn kinh phí để tiếp tục thực hiện cũng thiếu.
“Hy vọng nơi đây sẽ trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách thích khám phá, trải nghiệm với sự đa dạng về sinh vật trong môi trường hoang sơ, hùng vĩ. Đây cũng là hướng du lịch mới của tỉnh nhà giúp cho Khu bảo tồn Sông Thanh trở thành Vườn quốc gia Sông Thanh”, ông Đinh Văn Hồng nói.
Về công tác bảo vệ sinh học, tỉnh Quảng Nam đã mời các tổ chức trong và ngoài nước như tổ chức Trường Sơn Xanh, tổ chức WWF nhằm giúp Quảng Nam xây dựng đề án nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn quốc gia, từ đó đánh giá toàn bộ thực trạng khu bảo tồn. Qua sơ bộ ban đầu có thể nhận thấy đây là một miền Trung Trường Sơn còn sót lại một hệ động thực vật rất phong phú. Rất nhiều loài cũ được phát hiện tại khu vực này và gần đây nhiều loài mới được phát hiện.
“Tỉnh Quảng Nam vẫn đang tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế hoàn chỉnh hồ sơ, trình Bộ NN-PTNT và Tổng Cục Lâm nghiệp để sớm thống nhất phê duyệt đề án nâng hạng khu bảo tồn trở thành Vườn Quốc gia. Khi đó, công tác quản lý bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Đây là khu vực giáp biên nên tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo chức năng trên địa bàn làm tốt công tác phối hợp, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng ra vào khu vực biên giới. Sự phối hợp này trong thời gian vừa qua cũng đã mang lại hiệu quả cao”, ông Lê Trí Thanh cho biết.
Toàn bộ khu vực này được kết nối tạo thành hành lang, tỉnh Quảng Nam cũng đã làm việc với các bạn Lào (tỉnh Sê Kông) để kết nối. “Giữa 2 địa phương phải có sự phối hợp với nhau cùng thiết lập một hành lang bảo vệ an toàn đa dạng sinh học Huế - Sê Kông – Quảng Nam - Kom Tum. Hiện nay, việc này đang được tiến hành rất khẩn trương”, ông Lê Trí Thanh thông tin.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/trai-nghiem-du-lich-bao-ve-rung-674776.html