Trải nghiệm hãi hùng khi tàu lặn mắc kẹt ở xác tàu Titanic

Nhà vật lý, nhà báo người Mỹ Michael Guillen cho biết, ông đã trải qua cảm giác kinh hoàng khi tàu lặn chở ông bị mắc kẹt trong lúc tham quan xác tàu Titanic vào năm 2000.

Năm 2000, chỉ có tàu lặn của Nga và Pháp có thể đi xuống xác tàu Titanic. Ảnh: BBC

Năm 2000, chỉ có tàu lặn của Nga và Pháp có thể đi xuống xác tàu Titanic. Ảnh: BBC

Tiến sĩ Guillen, khi đó là biên tập viên khoa học của mạng tin tức ABC, Mỹ kể với hãng tin BBC: "Tôi là phóng viên đầu tiên đưa tin về xác tàu Titanic. Vì vậy, một cách tự nhiên, tôi rất phấn khích khi tham gia chuyến đi".

Cùng với đối tác lặn Brian và lái tàu người Nga Viktor, ông Guillen đã xuống một chiếc tàu lặn nhỏ của Nga, được hạ từ tàu nghiên cứu Akademik Mstislav.

Ông Guillen kể: "Lúc tham quan mũi tàu Titanic, mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Sau đó, thủy thủ đoàn quyết định đi tới phần đuôi tàu nằm cách đó một quãng. Khi lướt qua khu vực được gọi là cánh đồng của các mảnh vỡ, chúng tôi bị cuốn vào một dòng nước ngầm chảy rất nhanh. Vì vậy, tàu bị mắc kẹt ở phần chân vịt.

Đột nhiên, có một vụ va chạm. Chúng tôi cảm nhận được nó và bất ngờ, các mảnh vỡ... chỉ là những khối lớn, những mảnh gỉ sét của tàu Titanic bắt đầu rơi xuống đầu chúng tôi. Tôi đã nói lời tạm biệt trong tâm trí mình".

Theo ông Guillen, lái tàu - người từng là phi công lái máy bay chiến đấu Mig của Nga, đã cố điều khiển con tàu thoát khỏi chỗ kẹt. "Nó giống như bạn cố đẩy chiếc xe đang mắc kẹt trong bùn, bạn cố tiến, lùi rồi lại lùi, tiến, chỉ để cố gắng thoát ra... Tất cả chúng tôi đều im lặng. Chúng tôi không muốn làm phiền hay làm cho Viktor mất tập trung. Và chúng tôi biết mình đang gặp nguy hiểm. Vì thế, chúng tôi chỉ giữ im lặng".

Tàu lặn cuối cùng cũng thoát ra được nhờ những kỹ năng của Viktor, nhà báo Guillen nói. "Chúng tôi thật may mắn. Chúng tôi bị mắc kẹt trong hơn một giờ và suốt thời gian đó tôi đã nghĩ cuộc đời mình sẽ kết thúc ở đây. Nhưng cuối cùng, mọi người đều cảm thấy có điều gì đó thay đổi... cảm giác đang lơ lửng.

Tôi đã nghĩ: Chúa ơi, có thể nào chúng ta thoát ra được. Sau đó, tôi quay sang hỏi Viktor, mọi việc ổn chứ? Anh ấy trả lời: Không có vấn đề gì. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm".

Ông Guillen kể, phải mất 2,5h tàu mới trở lại mặt nước và những người ở tàu mẹ đều biết có một tình huống khủng hoảng đã xảy ra.

Nhà báo này cho hay, vào năm 2000, chỉ có 2 quốc gia là Pháp và Nga mới có tàu lặn chịu được áp lực nước lớn như vậy.

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trai-nghiem-hai-hung-khi-tau-lan-mac-ket-o-xac-tau-titanic-2157427.html