Trải nghiệm 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh' qua kính thực tại ảo

'Đứng trước màn hình, mình không chỉ xem được một bức ảnh hay một không gian cố định, mà như đang di chuyển, cảnh vật nhìn thấy cũng thay đổi theo bước đi tương ứng. Chúng ta có thể dùng bàn tay hay cơ thể để tương tác như vừa xem triển lãm tranh, nghe nhạc và có thể nhìn thấy Bác đọc Tuyên ngôn độc lập sống động như thật', bạn Hồng Minh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa, chia sẻ về trải nghiệm được 'gặp' Bác Hồ.

Đại biểu xem triển lãm bằng kính thực tại ảo. Ảnh: THIỆN THÔNG

Đại biểu xem triển lãm bằng kính thực tại ảo. Ảnh: THIỆN THÔNG

Một không gian truyền thống khác biệt

Nhiều sinh viên thích thú vì được trải nghiệm triển lãm sinh động như thật bằng kính thực tại ảo (3D Virtual Reality) và ứng dụng tương tác tự nhiên trong không gian bằng camera độ sâu tại Phòng trưng bày thực tại mở rộng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” của ĐH Quốc gia TPHCM. Phòng trưng bày được đặt tại Thư viện trung tâm ĐH Quốc gia TPHCM, tuy kỷ vật không quá nhiều nhưng lại thu hút đông đảo người trẻ đến tham quan, tìm hiểu. Tại đây, các bạn được tiếp cận với lịch sử truyền thống bằng phương thức của thời đại, công nghệ nghe nhìn hiện đại được nhúng vào một cách hợp lý đã làm gia tăng khả năng tiếp cận và tạo hiệu quả lan tỏa.

Có mặt ở phòng trưng bày tại Thư viện trung tâm ĐH Quốc gia, bạn Mai Anh, sinh viên năm 3, cho biết: Thay vì phải đi nhiều bảo tàng, thư viện để tìm hiểu thông tin, tư liệu về Bác thì chỉ cần đến đây là có tương đối đầy đủ. Sử dụng các ứng dụng tương tác tự nhiên trong không gian tham quan, chúng ta có thể tìm hiểu được nhiều giai đoạn lịch sử, cũng như cuộc đời sự nghiệp của Bác một cách khác biệt. “Với kính thực tại ảo, tôi xem đoạn phim Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập hay Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như mình đang có mặt, chứng kiến ngay tại lúc đó”, Mai Anh kể.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia có hơn 90.000 sinh viên, khoảng 6.000 thầy, cô giáo và cán bộ phục vụ giảng dạy. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là đặc biệt quan trọng. Phòng trưng bày thực tại mở rộng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là không gian sinh hoạt chính trị, văn hóa của cán bộ, giảng viên, sinh viên... trong hệ thống và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” của một hệ thống giáo dục đại học được xây dựng dựa trên thế mạnh tri thức của đội ngũ. “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” của ĐH Quốc gia TPHCM được xây dựng trên 3 nền tảng: ứng dụng triển lãm 3D trên nền tảng web; thể hiện “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong môi trường thực tại ảo 3 chiều với kính thực tại ảo để tham quan (3D Virtual Reality); ứng dụng tương tác tự nhiên trong không gian tham quan (sử dụng camera độ sâu). Qua đó, tạo cảm giác thú vị, hấp dẫn cho người tham quan khi đến trải nghiệm tại “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

"Thực tiễn đã chứng minh, xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không tách rời quy luật xây dựng con người văn hóa, lối sống văn minh. Do đó, việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong trường đại học cũng như việc phát huy vai trò, lợi thế của trường đại học trong xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” có ý nghĩa to lớn trong giáo dục đạo đức, văn hóa cho con người, nhất là thế hệ trẻ hiện nay" - PGS-TS NGÔ PHƯƠNG LAN

Thực tiễn đã chứng minh, xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không tách rời quy luật xây dựng con người văn hóa, lối sống văn minh. Do đó, việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong trường đại học cũng như việc phát huy vai trò, lợi thế của trường đại học trong xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” có ý nghĩa to lớn trong giáo dục đạo đức, văn hóa cho con người, nhất là thế hệ trẻ hiện nay.

PGS-TS NGÔ PHƯƠNG LAN

Phát huy lợi thế của trường đại học

Vì được thể hiện trên 3 nền tảng nên nếu không có điều kiện đến tận phòng trưng bày để tham quan thì người xem vẫn có thể ngồi ở nhà, truy cập vào website. Hiệu ứng thị giác 3D sẽ giúp người xem như đang có mặt và di chuyển tại phòng triển lãm. Cú click chuột đưa người xem đến từng bối cảnh cụ thể và âm thanh tương ứng. Bằng các ứng dụng công nghệ, người xem vừa xem tranh, vừa thưởng thức những ca khúc viết về Bác. Ngoài ra, người xem có thể đọc trực tuyến các nội dung toàn văn tài liệu, đề tài nghiên cứu, sách, phim tư liệu… từ trang “Cơ sở dữ liệu Tư liệu Hồ Chí Minh”.

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Trưởng Ban Tuyên giáo, Đảng ủy ĐH Quốc gia TPHCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: Từ năm 2022, ĐH Quốc gia TPHCM đã triển khai xây dựng và thực hiện Đề án số 01-ĐA/ĐU về xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại ĐH Quốc gia TPHCM. Khi ra mắt, phòng trưng bày thực tại mở rộng, giới thiệu “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” mang đậm màu sắc của ĐH Quốc gia TPHCM như là trung tâm hội tụ và lan tỏa khoa học - công nghệ, văn hóa. Trên cơ sở thực tiễn hơn 1 năm triển khai xây dựng, chúng tôi nhận thức về vai trò, lợi thế của trường đại học trong việc xây dựng, hình thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được thể hiện đậm nét. Đó là vai trò tiên phong, dẫn dắt, gắn kết và phục vụ cộng đồng của các trường đại học. Trường đại học là nơi nghiên cứu, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là nguồn tư liệu, tài liệu quý giá để phục vụ việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” hiện hữu lẫn trên không gian mạng. Đặc biệt, với lợi thế về đội ngũ, vai trò tham mưu, tư vấn, hỗ trợ thiết kế, kiểm định chất lượng của trường đại học giúp cho tính hiệu quả của việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” càng sáng tạo, đa dạng…

GIA VĂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trai-nghiem-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-qua-kinh-thuc-tai-ao-post722473.html