Trải nghiệm 'Không gian văn hóa nông nghiệp Tây Đô' tại di sản thế giới Thành Nhà Hồ
Sau một thời gian nghiên cứu khảo sát, sưu tầm lựa chọn hiện vật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã xây dựng và trang trí công phu phòng trưng bày với chủ đề: Không gian văn hóa nông nghiệp Tây Đô tại khuôn viên Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Với mục đích trưng bày và giới thiệu đến công chúng, nhất là thế hệ trẻ nhằm giúp mọi người trân trọng, thấu hiểu hơn về nông cụ canh tác truyền thống, về đời sống mộc mạc chân chất, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người nông dân, chứa đựng những nét sinh hoạt văn hóa dung dị, thuần phát của con người, của làng quê Viêt Nam góp phần chung tay gìn giữ những giá trị di sản văn hóa vật chất, tinh thần và những tinh hoa của tiền nhân.
Chẳng phải xa xôi gì, cách đây chỉ vài thập kỷ thôi, chính chúng tôi - thế hệ 8x cũng là những người có tuổi thơ rất khó khăn, thiếu thốn. Và những củ khoai, củ sắn; những chiếc cày, chiếc bừa, cối xay lúa, chày giã gạo đã cùng chúng tôi lớn lên.
Không sôi động, náo nhiệt như các khu vui chơi giải trí, những ngày đầu năm mới này, khi đến Thành Nhà Hồ, khách tham quan sẽ được hòa mình vào không gian xưa, được trải nghiệm, cảm nhận và hồi tưởng về miền ký ức thân thương, ấm áp trong không gian xưa của gia đình ở nông thôn Việt Nam với nhiều vật dụng của “đời sống thời bao cấp”.
Ai đã có tuổi thơ cách đây vài thập kỷ sẽ không khỏi bồi hồi, xúc động khi ngắm nhìn những hình ảnh, hiện vật ấy; bởi nó đã gắn bó với cả một thời kỳ khó khăn, gian khổ nhưng tình cảm ấm áp, gợi nhớ về những ngày tháng chúng ta thường nói vui với nhau “nghèo mà vui”.
Không gian trưng bày tại Thành Nhà Hồ giới thiệu đến người xem với hơn 100 hiện vật, gồm 3 nội dung: Không gian tiếp khách, không gian bếp và không gian nông cụ.
Tại không gian phòng khách, được trưng bày các hiện vật tái hiện một cách rõ nét cuộc sống sinh hoạt của gia đình xưa như: Bộ bàn trà, ghế tựa, tủ, ti vi đen trắng, đài Catsette, đèn dầu...
Đối với nơi trưng bày không gian nông cụ, du khách sẽ được trải nghiệm các nông cụ với những công năng khác nhau từ sản xuất đến sơ chế các sản phẩm nông nghiệp như: Cày, bừa, các loại cào, vồ đập đất, quạt lúa, chày giã dùng chân, các loại cối xay lúa, cối giã gạo, cối xay gạo thành bột, cối xay ngô thành bột,...Vào những thời điểm nông nhàn, để cải thiện cuộc sống và kiếm thêm nguồn thu nhập, người làm nông đã biết sáng tạo ra các ngư cụ và các loại bẫy để đánh bắt nguồn lợi thủy sản (tôm, cua, cá) như: Lưới, giậm, nơm, các loại bẫy kẹp...
Đặc biệt khi được ngắm nhìn cái “bếp xưa” ở đây chắc sống mũi nhiều người lại thấy cay cay như có mùi khói rơm rạ ngày nào còn phảng phất. Nó gợi nhớ về cái bếp một thời không chỉ là nơi nấu ăn, mà còn là nơi chứa đựng bao kỉ niệm, từng là nơi chia sẻ yêu thương của cả gia đình. Mặc dù “bếp xưa” bày biện đủ thứ lỉnh kỉnh như nồi niêu xoong chảo, cũng là nơi tận dụng để chứa nông cụ lao động; rồi cả củi, rơm rạ, lá khô dùng để đun nấu. Thậm chí những nùn rơm, đống rạ khô ấy còn là nơi cho gà đẻ, ấp trứng.
Bếp xưa đơn sơ là thế, có chút “luộm thuộm” là thế nhưng ngày ngày vẫn vài bận đỏ lửa. Ngày nay, cái bếp với đầy đủ tiện nghi, ngăn nắp; đồ dùng thậm chí rất sang trọng, cao cấp nhưng có khi vài ngày mới đun nấu một lần, bởi con người với cuộc sống bận rộn đôi lúc lựa chọn những bữa ăn nhanh, nhà hàng, cơm ship…
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết: Những hình ảnh ý nghĩa được tái hiện trong không gian xưa nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh truyền thống của người dân Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng đến với du khách. Từ đó quảng bá thêm về hình ảnh di sản Thành Nhà Hồ với bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút du khách tham quan di sản trong thời gian tới.
Với chuyên đề trưng bày này, đã phần nào gợi nhớ lại đời sống văn hóa của con người vùng đất Tây Đô, phản ánh đời sống văn hóa vật chất của vùng đất trong một thời kỳ lịch sử. Không gian xưa được tái hiện ở di sản Thành Nhà Hồ không chỉ giúp những người lớn tuổi hoài niệm về những ngày tháng không thể nào quên; mà còn có ý nghĩa giúp thế hệ trẻ được trải nghiệm; từ đó phần nào có thể mường tượng về cuộc sống của ông bà, cha mẹ họ ngày xưa đã trải qua sự khó khăn, giản dị mà ấm cúng nhường nào.