Trải nghiệm nét văn hóa vẽ sáp ong trên vải của người Mông tại Thủ đô
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng 2025 với chủ đề 'Tương lai của bảo tàng trong các cộng đồng thay đổi nhanh chóng', Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện hoạt động trải nghiệm 'Giữ màu di sản'. Sự kiện giới thiệu về kỹ thuật tạo hoa văn sáp ong và nhuộm vải gắn liền với đôi bàn tay tài khéo của người phụ nữ Mông.

Đông đảo người dân và du khách tham gia hoạt động trải nghiệm "Giữ màu di sản".
Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của người Mông là một di sản văn hóa có từ lâu đời, mang trong mình những câu chuyện về đời sống, tín ngưỡng và tâm hồn của một dân tộc luôn gắn bó với thiên nhiên.

Các sản phẩm độc đáo của người Mông được tạo nên từ kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải.
Các họa tiết trên vải không chỉ là những hoa văn trang trí mà còn chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc: Đó là hình ảnh của cây cối, chim muông, là sự giao hòa giữa con người và đất trời.

Nghệ nhân người Mông hướng dẫn kỹ thuật vẽ sáp ong.
Tham gia hoạt động trải nghiệm, khách tham quan được trải nghiệm vẽ hoa văn sáp ong và nhuộm vải dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân người Mông; giao lưu với nghệ nhân và nhận các phần quà độc đáo từ chương trình.

Các du khách đến từ Nhật Bản hào hứng trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào Mông.
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, cán bộ truyền thông của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cho biết: Với việc để cho cộng đồng trải nghiệm kỹ thuật này thì bảo tàng nhận thấy rằng kiến thức, giá trị văn hóa đến với cộng đồng trực tiếp và dễ hình dung hơn.
Bảo tàng đã từng tổ chức những hoạt động tương tự trước đây và chương trình nào cũng thu hút được rất đông công chúng tham gia, không chỉ có người Việt Nam, mà rất nhiều du khách quốc tế.

Giữa nhịp sống hiện đại, những đường nét sáp ong mộc mạc vẫn bền bỉ lan tỏa.
Thông qua hoạt động vẽ sáp ong trên vải và nhuộm chàm, người tham gia không chỉ học cách tạo nên những hoa văn độc đáo mà còn được lắng nghe câu chuyện văn hóa, lịch sử và bản sắc của người phụ nữ dân tộc Mông ở Yên Bái.

Sự kiện cũng thu hút đông các em nhỏ.
Những người đang hằng ngày nỗ lực gìn giữ các giá trị truyền thống trong thời đại hiện đại hóa. Đồng thời cũng được lắng nghe những băn khoăn, trăn trở trong việc tìm hướng đi cho sản phẩm, cách phát triển kinh tế từ chính những bản sắc văn hóa riêng của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Là một du khách tham gia hoạt động trải nghiệm, chị Yuka Takada đến từ Nhật Bản chia sẻ: Tôi rất hứng thú với sự kiện này. Đến đây, được trực tiếp trải nghiệm tạo hình hoa văn, được giao lưu với các nghệ nhân giúp tôi hiểu hơn về các giá trị truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là vẻ đẹp của người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Qua đây, chúng tôi cũng thêm yêu văn hóa và con người Việt Nam hơn.

Du khách tìm hiểu về kỹ thuật nhuộm vải.
Còn chị Trần Thị Giang (thành phố Hà Nội) thì cho rằng được tìm hiểu văn hóa và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngay tại Thủ đô là cơ hội tốt cho chị và những ai chưa có cơ hội được trực tiếp đến với các tỉnh vùng cao.

Mỗi tấm vải mang trong mình không chỉ hoa văn tinh xảo, mà còn cả câu chuyện về tâm hồn, trí tuệ và niềm tự hào của người Mông.
Ngoài trải nghiệm nghệ thuật thủ công truyền thống, du khách còn được thưởng thức triển lãm "Sáp ong-Sắc chàm”.

Khách tham quan triển lãm "Sáp ong-Sắc chàm”.
Triển lãm nằm trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” với thông điệp lan tỏa giá trị văn hóa, tập tục tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng dân tộc.

Tìm hiểu về các trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Sự kiện "Giữ màu di sản" không chỉ là câu chuyện văn hóa, mà còn là câu chuyện về bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ; thể hiện sự khéo léo của phụ nữ dân tộc thiểu số, cũng như đóng góp của người phụ nữ trong cộng đồng.