Trải nghiệm người dùng: Thế mạnh trong cuộc đua OTT

Trong cuộc đua ứng dụng OTT, sự thấu hiểu người dùng Việt sẽ giúp các nền tảng nội phân tích dữ liệu tốt hơn cũng như cung cấp các gói nội dung phù hợp hơn với thói quen và nhu cầu của người dùng.

Theo Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử ((PT-TH&TTĐT, Bộ TT&TT), tính đến nay, Việt Nam có 72 cơ quan báo chí hoạt động Phát thanh-Truyền hình, 12 đại lý cung cấp kênh nước ngoài, 3 cơ quan báo chí biên tập kênh nước ngoài với số giờ chương trình tự sản xuất mới trung bình 612 giờ/279 kênh trong nước, 70 kênh truyền hình nước ngoài được cung cấp trên dịch vụ PayTV của 36 doanh nghiệp được cấp phép, cùng hàng trăm giờ chương trình liên kết sản xuất về nội dung giải trí.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mặc dù có đến 80% người Việt Nam xem nội dung truyền hình do Việt Nam sản xuất, tuy nhiên tỷ lệ bình quân khán giả xem truyền hình và tiếp cận truyền hình có xu hướng giảm khiến tốc độ tăng trưởng thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống tăng trưởng chậm lại, chỉ ở mức 4-5%/năm, với doanh thu khoảng 6-7%. Trong khi dịch vụ truyền hình OTT (dịch vụ truyền hình trên nền tảng Internet) tăng trưởng mạnh về cả nhu cầu sử dụng và doanh thu, với 50%/năm. Với đà này, dự báo thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống đang phát triển chậm lại.

Trái lại, thuê bao truyền hình OTT phát triển như vũ bão, năm sau gấp đôi năm trước, sẽ ngày càng chiếm ưu thế. Dư địa cho phát triển dịch vụ truyền hình OTT còn lớn. Chưa kể, sự hiện diện của HBO, Netflix cùng một số doanh nghiệp dịch vụ xuyên biên giới đang chờ cấp phép khác, OTT cho thấy một sự cạnh tranh khốc liệt.

Dù Việt Nam có 64 triệu người sử dụng internet, xếp thứ 12 trên thế giới và xếp thứ 6 trong khu vực với 6 giờ 42 phút sử dụng Internet mỗi ngày, cùng xu hướng xem truyền hình miễn phí chiếm tỷ lệ cao. Khảo sát của Microsoft cho hay, mặc dù lòng tin của người tiêu dùng đối với dịch vụ số suy giảm nhưng thói quen chi trả cho các dịch vụ này đã có nhiều chuyển biến tích cực. 72% khách hàng cho biết họ sẽ trả thêm phí để đảm bảo nhận được các dịch vụ, nội dung chất lượng tốt hơn.

Xu hướng của các OTT hiện tại là ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, từ đó phân tích nhu cầu, mong muốn của khách hàng và đưa đến các nội dung theo đúng sở thích, thói quen, thời điểm cho từng đối tượng khác nhau. Sự dịch chuyển của người dùng khi xem các nội dung phim ảnh, giải trí, thể thao trên Internet thay vì ngồi trước màn hình tivi được coi là mối đe dọa đối với ngành truyền hình trả tiền của Việt Nam.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong cuộc đua ứng dụng OTT, sự thấu hiểu người dùng Việt sẽ giúp các nền tảng nội phân tích dữ liệu tốt hơn cũng như cung cấp các gói nội dung phù hợp hơn với thói quen và nhu cầu của người dùng. Mặt khác, nếu như truyền hình trả tiền truyền thống đang dần trở nên mờ nhạt và ngày càng gặp nhiều khó khăn, nhất là hiện nay sự cạnh tranh còn đến từ các doanh nghiệp viễn thông lớn, bởi những thế mạnh tài chính, công nghệ…

Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn trong việc xây dựng đơn giá truyền hình, hành lang pháp lý đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, hay vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình, tăng cường công tác quản lý các đơn vị cung cấp nội dung truyền hình nước ngoài vào Việt Nam…

Đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp trong cả nước, nhất là đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân. Đặc biệt là góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Song làm sao giải quyết hài hòa các vấn đề cạnh tranh, giảm giá thành, xung đột lợi ích là nhiệm vụ của chính các doanh nghiệp, ông Lâm chia sẻ.

Ông Lâm cho rằng, sức ép cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực truyền hình trả tiền là xu thế và các doanh nghiệp cần có các chính sách để đi cùng nhau trong xu hướng phát triển toàn cầu. Thêm nữa, doanh nghiệp cần cung cấp các nội dung hấp dẫn, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt là chủ động nắm bắt xu thế để xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, Internet phát triển mạnh như hiện nay.

Khi Thông tư số 06/2019/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý, sử dụng tài nguyên Internet, có hiệu lực từ ngày 15/9/2019, các vấn đề liên quan sẽ được giải quyết và trật tự trong lĩnh vực này sẽ được thiết lập, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh đối với ngành truyền hình trả tiền, đồng thời cũng có những chế tài cứng rắn xử lý vi phạm bản quyền và các vấn đề xung đột lợi ích giữa các bên, ông Lâm nhấn mạnh.

Khánh An

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/trai-nghiem-nguoi-dung-the-manh-trong-cuoc-dua-ott-92317.html