Trải nghiệm số trong doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?
Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom cho rằng, khi xã hội phát triển và trải qua nền kinh tế sản xuất, nền kinh tế dịch vụ, thì tương lai sẽ là nền kinh tế trải nghiệm.
Tiếp nối thành công sau 5 mùa tổ chức, Đại hội Sales và Marketing toàn quốc VSMCamp và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMOSummit đã trở lại với chủ đề "DigitalX - Trải nghiệm số trong chiến lược Sales & Marketing".
Chia sẻ về chủ đề DigitalX, ông Lê Quốc Vinh - Phó Chủ tịch CSMO Việt Nam, Chủ tịch Le Bros nhấn mạnh: "Biểu tượng X trong chủ đề của sự kiện năm nay không chỉ là chuyển đổi, mà mang ý nghĩa trải nghiệm số. Đó cũng chính là mục tiêu, đích đến của hoạt động chuyển đổi số, bao trùm các hoạt động sales và marketing của các doanh nghiệp đã và đang tiến tới chuyển đổi số".
Nói về xu hướng trải nghiệm số trong doanh nghiệp, ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom cho rằng, khi xã hội phát triển và trải qua nền kinh tế sản xuất, nền kinh tế dịch vụ, thì tương lai sẽ là nền kinh tế trải nghiệm. Trong đó, việc quan trọng nhất giúp gia tăng nguồn khách hàng cho doanh nghiệp chính là "cá nhân hóa" trên nền tảng số.
Để có thể "cá nhân hóa" trải nghiệm, doanh nghiệp cần học hỏi thói quen người tiêu dùng phân loại theo từng nhóm người trong xã hội.
Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi, liệu doanh nghiệp có thật sự hiểu và vẽ ra được "chân dung khách hàng" hay không, Chủ tịch FPT Telecom nhận định: "Nâng cao trải nghiệm sẽ làm thay đổi hoàn toàn thị trường, nhưng trước hết chúng ta cần từ bỏ lối suy nghĩ theo lối cũ và áp dụng công nghệ số. Muốn cá thể hóa được khách hàng chỉ có thể sử dụng công nghệ.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Dương nêu ra một khái niệm còn mới mẻ - la bàn quản trị điều hành của doanh nghiệp, trong đó có vai trò của trải nghiệm số.
Ông Nguyễn Dương chia sẻ: "Nếu bạn lấy khách hàng làm trung tâm và muốn tạo nên trải nghiệm khách hàng xuất sắc thì cần phải xây dựng la bàn của doanh nghiệp có tầm vóc về trải nghiệm khách hàng, lấy trải nghiệm khách hàng để dẫn dắt".
Từ góc độ thực tế, những điều trên được ứng dụng trong đời sống bằng cách giúp khách hàng đặt mục tiêu; sử dụng công nghệ chuyển đổi số để tạo không gian trải nghiệm mới giúp họ thuận tiện, dễ dàng, tiết kiệm thời gian và công sức; tạo nên trải nghiệm cảm xúc mới khác biệt, khiến khách hàng vượt ra khỏi nỗi sợ của bản thân.
Đặc biệt, các công ty có trải nghiệm xuất sắc không sử dụng công nghệ để thay thế con người mà để công nghệ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, con người sẽ tập trung vào những thứ quan trọng hơn như hỗ trợ để tạo nên human touch - kết nối với khách hàng.
"Đừng đánh giá quá cao công nghệ kỹ thuật số, nhưng cũng đừng đánh giá quá thấp. Chúng ta cần cân bằng các yếu tố trong trải nghiệm dịch vụ số để mang đến nhiều lợi ích hơn cho khách hàng", Giáo sư Werner H Kunz - chuyên gia hàng đầu về marketing từ Hoa Kỳ nêu quan điểm.
Trước tốc độ phát triển nhanh chóng, hàng loạt ứng dụng mới ra đời nhằm mục đích đáp ứng các nhu cầu của con người, song khó có thể đảm bảo được chất lượng cũng như mức độ tin tưởng về thông tin cá nhân.
Do đó, Giáo sư Werner H Kunz đưa ra lời khuyên, khách hàng/người dùng cần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm thích hợp.
Tiếp nối bức tranh về trải nghiệm số, ông Việt Hoàng - Consumer Tech, FinServe & Telco Solution Lead, Meta Vietnam cho rằng, doanh nghiệp có thể tận dụng các công nghệ thực tế ảo nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng.
Theo ông Hoàng, giải pháp cho vấn đề này nằm ở 2 xu hướng lớn: Bussiness Message và Metaverse. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo một số ý tưởng về Metaverse như: Portfolio Showcase - Tạo ra trải nghiệm thực tế ảo (WebXR); Educate người tiêu dùng về các tính năng mới của sản phẩm qua công nghệ Metaverse; Product Trials - Cho người dùng trải nghiệm sản phẩm qua các filter; Deeper connection with Consumers - Mang lại trải nghiệm sâu sắc hơn cho khách hàng qua các trải nghiệm thực tế ảo;...