Trải nghiệm vùng đất Vĩnh Thạnh, Bình Định

(SGTT) – Một lần về chơi “đất Võ”, tôi được bạn bè ở Quy Nhơn dẫn đi dã ngoại ở Vĩnh Thạnh, huyện vùng núi của tỉnh Bình Định. Họ chỉ “bật mí” trước sẽ có chuyến ngoạn cảnh trên hồ và khám phá thác nước “mọc ra” từ lưng chừng núi.

Chinh phục thác Đăk Klah

Từ thành phố Quy Nhơn, chúng tôi vượt hơn 70km để đến thị trấn Vĩnh Thạnh, xe dừng lại ven đường để đón thêm một người phụ nữ lớn tuổi: cô Tư – người nuôi cá bè trên hồ Định Bình.

Con đường phía trước đập Định Bình. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Con đường phía trước đập Định Bình. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Theo kế hoạch, cô Tư sẽ đưa chúng tôi lên nhà cô ở ven hồ Định Bình, sau đó lên thuyền thăm lồng bè nuôi cá. Tuy nhiên, sau đó mọi người được thông báo sẽ đi ngắm một ngọn thác “mọc ra” ở lưng chừng vách núi – thác Đăk Klah.

Xe đưa chúng tôi chạy ven theo bờ hồ Định Bình, rẽ trái vào con đường mòn đi thủy điện Trà Xom. Khi xe đột ngột dừng lại bên đường và mọi người xuống xe, tôi mới chợt ngạc nhiên nhận ra ngọn thác hiện ra giữa sườn núi ngay bên đường.

Thác Đăk Klah hiện ra trên lưng chừng núi ngay bên đường. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Thác Đăk Klah hiện ra trên lưng chừng núi ngay bên đường. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Một thanh niên người dân tộc Ba Na chờ chúng tôi từ lúc nào. Đinh Nhuynh – tên chàng trai – vốn quen biết với những người bạn tôi từ lâu, khi hàng năm họ vẫn tiến hành các hoạt động từ thiện nơi huyện vùng cao này. Hôm nay, cậu ấy sẽ dẫn đường đưa chúng tôi lên chơi thác.

Đoạn suối Đăk Klah phía dưới chân núi. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Đoạn suối Đăk Klah phía dưới chân núi. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Nhuynh lý giải: “Đăk” trong tiếng Ba Na nghĩa là nước, “Klah” nghĩa là phân chia. Đăk Klah nghĩa là dòng suối phân chia, vì nó là ranh giới giữa 2 xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim. Thác Đăk Klah ở vị trí trên cao gần đỉnh núi, thời gian không đủ để leo lên thác nên chúng tôi chỉ lội suối một đoạn ở dưới chân núi.

Tuy ở đoạn này địa hình khá bằng phẳng, nhưng dòng nước luồn lách qua những khối đá lớn, tạo ra dòng chảy tung bọt trắng xóa. Không lên được thác, nhưng được ngâm chân dưới dòng suối mát lạnh, được thoải mái chụp hình bên suối cũng xứng công đường xa đến đây.

Một vòng khám phá hồ Định Bình

Khi chúng tôi quay trở lại, cô Tư đã chuẩn bị bữa xong trưa với những món ăn đặc sản từ lòng hồ Định Bình như cá lăng, cá điêu hồng… Sau khi “trèo đèo lội suối” hơn trăm ki lô mét, cả đoàn ai cũng đói và mệt, nên bữa ăn trưa càng trở nên ngon miệng.

Ăn trưa xong, mọi người tiếp tục thăm thú vườn nhà cô Tư và xuống thuyền khám phá hồ Định Bình. Chú Tư cầm lái đưa chúng tôi đi ngắm cảnh hồ và ghé thăm bè cá của gia đình ở giữa hồ.

Bữa trưa với các món đặc sản từ hồ Định Bình. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Bữa trưa với các món đặc sản từ hồ Định Bình. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Hồ Định Bình vốn là một khúc sông Kôn được ngăn lại bằng con đập Định Bình cao 52,3m và dài hơn 600m tại xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh. Hồ thủy lợi này chính là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất tỉnh Bình Định, nó cũng là hồ dài nhất ở tỉnh miền Trung này.

Trải nghiệm cho cá ăn tại lồng bè trên hồ Định Bình. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Trải nghiệm cho cá ăn tại lồng bè trên hồ Định Bình. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Sau khi đưa chúng tôi đi một vòng quanh lòng hồ, chú Tư ghé vào lồng bè của gia đình cho cá ăn. Lồng bè của cô chú chủ yếu nuôi cá điêu hồng và cá lăng. Chúng tôi rời lồng bè vào chiều muộn, trên hồ mênh mang sóng, vài cánh cò trắng bay ngang tạo nên một khung cảnh thanh bình.

Đập Định Bình chặn dòng sông Kôn phía xa xa, tạo ra hồ Định Bình mênh mông. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Đập Định Bình chặn dòng sông Kôn phía xa xa, tạo ra hồ Định Bình mênh mông. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Nhìn về phía hạ lưu, đập Định Bình ngăn ngang sông Kôn để tạo nên hồ nhân tạo đẹp và lớn này. Xa xa phía sau con đập, những áng mây trắng vắt ngang chừng núi tạo nên bức tranh thiên nhiên ấn tượng. Thuyền cập bến, chúng tôi chào cô chú Tư để lên xe về lại Quy Nhơn. Cô chú niềm nở hẹn một ngày trong mùa nước cạn trở lại, chú sẽ chở sang một bãi đẹp khác trên lòng hồ để cắm trại đêm.

Ngô Hòa Nam

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/trai-nghiem-vung-dat-vinh-thanh-binh-dinh/