'Trái ngọt' của luật bình đẳng giới

Ngày 2.6 tới, người dân Mexico sẽ đi bầu tổng thống với hai ứng viên đang dẫn đầu đều là phụ nữ. Điều này gần như bảo đảm rằng quốc gia Bắc Mỹ sẽ lần đầu tiên có nữ Tổng thống. Đây sẽ là một thành tựu đáng chú ý ở một quốc gia nổi tiếng với nền văn hóa gia trưởng và tỷ lệ bạo lực trên cơ sở giới tính cao, đồng thời cũng là một sự kiện lịch sử chứng tỏ hiệu quả của những nỗ lực dấn thân của Mexico trong cuộc chiến thúc đẩy bình đẳng giới.

Hai ứng cử viên Xochitl Gálvez (trái) và Claudia Sheinbaum. Nguồn: Getty Images

Hai ứng cử viên Xochitl Gálvez (trái) và Claudia Sheinbaum. Nguồn: Getty Images

Hai bông hồng thép

Ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay là bà Claudia Sheinbaum, cựu thị trưởng thành phố Mexico, người hứa hẹn sẽ là người tiếp nối nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy López Obrador và được đảng Morena cầm quyền của ông hậu thuẫn. Sự nổi tiếng của bà Sheinbaum phần lớn nhờ vào sự ủng hộ của ông Obrador và sự hỗ trợ của bộ máy nhà nước trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, điểm yếu của bà là làm thế nào để xây dựng câu chuyện của riêng mình, tạo dựng hình ảnh của riêng mình.

Ngược lại, bà Xochitl Gálvez lại ghi điểm nhờ hình ảnh một thượng nghị sĩ có xuất thân khiêm tốn và tính cách thân thiện. Nổi lên vào năm ngoái với tư cách là một nhân vật chính trị quốc gia, bà Gálvez tiếp thêm sinh lực cho phe đối lập với thông điệp về sự thay đổi và đoàn kết. Nhờ vậy chỉ trong vài tháng, bà đã vươn lên trở thành ứng cử viên số một của liên minh đối lập có tên Liên minh Sức mạnh và Trái tim dành cho Mexico bao gồm 3 đảng chính thống lâu đời nhất đất nước.

Theo kết quả khảo sát, bà Claudia Sheinbaum, 61 tuổi, dự kiến dành được 55% số phiếu. Nữ thượng nghị sĩ đối lập Xochitl Gálvez, cũng 61 tuổi, giành được 33% ủng hộ. Ứng viên tổng thống nam duy nhất, Jorge Alvarez Maynez, 38 tuổi, đang bị tụt lại với khoảng cách rất xa, khi chỉ được 12% cử tri ủng hộ.

Nghịch lý xã hội

Bầu một nữ tổng thống sẽ là một bước tiến lớn ở một quốc gia có mức độ bạo lực trên cơ sở giới tính tăng cao và sự chênh lệch giới tính sâu sắc. Trên thực tế, vẫn tồn tại ở Mexico “chủ nghĩa sô vanh nam giới” vô cùng mạnh mẽ, điều này đã tạo ra khoảng cách giới rất lớn trong các vấn đề kinh tế và xã hội.

Phụ nữ ở Mexico, giống như ở phần lớn châu Mỹ Latin, làm những công việc không chính thức để kiếm sống - những công việc như bán đồ trên đường phố mà không có hợp đồng hoặc phúc lợi cố định. Đây là nguyên nhân của thái độ coi thường phụ nữ trong nền văn hóa của họ. Một trong những biểu hiện cao nhất của thái độ coi thường phụ nữ là tình trạng bạo lực giới với khoảng 10 phụ nữ bị sát hại mỗi ngày.

Tuy nhiên, nghịch lý nằm ở chỗ xã hội bảo thủ này đang chứng kiến con số phụ nữ đảm nhận các vai trò lãnh đạo và chính trị cao kỷ lục trên thế giới. Hiện tại, một nửa số ghế Quốc hội Mexico và một nửa số ghế trong Chính phủ do phụ nữ nắm giữ. Tại cơ quan lập pháp của 32 bang Mexico, phụ nữ chiếm 47%, tăng 10% kể từ năm 2018, theo dữ liệu từ Liên minh Nghị viện Thế giới. 9 thống đốc bang của nước này là phụ nữ và đó cũng là con số cao nhất từ trước tới nay. Đầu năm 2024, lần đầu tiên một phụ nữ trở thành Chánh án Tòa án Tối cao và 3 trong số 5 thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Mexico, bao gồm cả Thống đốc, là phụ nữ.

Để so sánh, Hoa Kỳ chưa tiến gần đến việc đạt được bình đẳng giới và chiếm vị trí thứ 70 trong bảng xếp hạng về đại diện nữ trong quốc hội các quốc gia. Ở Mỹ, chỉ có 25% thượng nghị sĩ và 28,8% đại diện là phụ nữ.

Luật bình đẳng giới và cuộc bầu cử truyền cảm hứng

Thành tựu này một phần là nhờ nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của chính quyền để có được sự đại diện lớn hơn trong chính trị. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1996 khi các nhà lập pháp Mexico khuyến nghị phụ nữ nên chiếm 30% tổng số ứng cử viên Quốc hội. Năm 2002, khuyến nghị này được luật hóa và đến năm 2008, hạn ngạch đã tăng lên 40% đại diện nữ. Vào năm 2014, tỷ lệ này lại tăng lên 50%.

Những nỗ lực này đã lên đến đỉnh điểm là một cuộc cải cách hiến pháp táo bạo vào năm 2019 có tên là “Luật Bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực”. Đạo luật yêu cầu các đảng chính trị đưa ra số lượng ứng cử viên nam và nữ bằng nhau cho các ghế trong Quốc hội, chức thống đốc, các vị trí trong chính quyền thành phố và thậm chí cả Tòa án Tối cao. Nhờ luật này, Mexico đã trở thành quốc gia đi đầu về bình đẳng giới trong chính trị.

Guadalupe Correa-Cabrera, giáo sư tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ, cho biết: “Đó là một sự thay đổi lớn. Một nữ tổng thống sẽ là nguồn cảm hứng cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa”.

Trong khi đó, tiến sĩ Christopher Sabatini, thành viên cấp cao về Mỹ Latin tại tổ chức nghiên cứu chính trị Chatham House có trụ sở tại London, Anh, nhận định: “Họ thực sự đã tự mình làm được những điều xuất sắc. Khẳng định nữ quyền chính là động lực và quỹ đạo sự nghiệp của họ”.

“Những quy định của đất nước đã được điều chỉnh để làm tăng không chỉ sự đại diện của phụ nữ trên các lá phiếu bầu cử quốc gia mà còn cả việc phân phối những lá phiếu đó. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó có thể nói Mexico đã vượt xa nhiều nước khác vì những quy định bình đẳng giới trong chính trị của họ mở rộng đến cả những cấp độ hành chính rất thấp”, tiến sĩ Sabatini đánh giá.

Cartel, thương mại, di cư

Dù chiến thắng thuộc về ai, Tổng thống tiếp theo của Mexico sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức, bao gồm quản lý vấn đề di cư, mối quan hệ mong manh với nước láng giềng Hoa Kỳ và bạo lực tội phạm khiến hơn 450.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người mất tích kể từ năm 2006.

Các cartel và các nhóm tội phạm khác coi các cuộc bầu cử - đặc biệt là các cuộc bầu cử địa phương - là cơ hội để giành lấy quyền lực. Do vậy, cuộc bầu cử lần này cũng được đánh giá là bạo lực nhất trong lịch sử, với 145 nhân vật liên quan đến chính tri, trong đó có 30 ứng cử viên cho chức vụ địa phương, đã bị ám sát kể từ tháng 9 năm ngoái.

Michael Shifter, nhà nghiên cứu và cựu chủ tịch của tổ chức tư vấn Đối thoại Liên Mỹ ở Washington, cho biết: “Sự lây lan đáng ngại của tội phạm có tổ chức và các tập đoàn phát triển mạnh mẽ là vấn đề khó khăn nhất mà lãnh đạo mới sẽ phải đối mặt”.

Bà Sheinbaum đã cam kết tiếp tục chiến lược giải quyết tội phạm tận gốc rễ của đương kim Tổng thống López Obrador - một chiến lược gây tranh cãi mà nhà dân túy cánh tả gọi là "những cái ôm chứ không phải viên đạn".

Sau khi đắc cử tổng thống năm 2018, ông López Obrador đưa ra cương lĩnh phi quân sự hóa cuộc chiến của đất nước chống lại các tập đoàn ma túy. Ông cho rằng các chương trình phúc lợi xã hội phổ biến sẽ giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất ổn kinh tế thay vì đối đầu bạo lực với các nhóm tội phạm. “Chúng ta hãy trao cho họ những cái ôm thay vì chĩa súng vào họ”, ông từng nói.

Trong khi đó, bà Gálvez, luôn nhắc đến câu chuyện thời thơ ấu của mình lớn lên ở một thị trấn nông thôn nghèo miền Trung Mexico, đã thề sẽ có một cách tiếp cận cứng rắn hơn. Bà tuyên bố “những cái ôm dành cho tội phạm đã kết thúc”.

Bà Gálvez đã chỉ trích cách tiếp cận không đối đầu của López Obrador đối với các tập đoàn; đề nghị tăng số lượng cảnh sát ở các khu vực bạo lực và xây dựng một nhà tù có mức độ an ninh cao. “Claudia Sheinbaum đang đề nghị tiếp tục “dang rộng vòng tay với tội phạm… Tôi muốn xây dựng một Mexico nơi chúng ta có thể chấm dứt bạo lực, nhưng trên hết là đặt cược vào sức khỏe và giáo dục”, bà nói.

Một thách thức lớn khác sẽ là mối quan hệ phức tạp của Mexico với Hoa Kỳ, đặc biệt nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11. Ông Shifter nói: “Nếu trở lại Nhà Trắng, ông Trump dự kiến sẽ tăng gấp đôi lập trường cứng rắn của mình về nhập cư, thương mại và ma túy - những vấn đề rất nhạy cảm và quan trọng đối với mối quan hệ song phương”.

Quốc Đạt

Theo Forbes Mexico, IPU, Buenos Aires Times

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/trai-ngot-cua-luat-binh-dang-gioi-i373522/