'Trái ngọt' từ chủ trương chuyển đổi số

Những thông tin được công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến vừa được Chính phủ tổ chức tại TP Đà Nẵng, cho thấy hiệu quả vô cùng lớn của công cuộc chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP

Lấy ví dụ như tại Đà Nẵng, đến tháng 7/2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của TP đạt 95%. Tỷ lệ số hóa, cấp kết quả thủ tục hành chính (TTHC) số đạt 64%. Tính đến nay, có gần 260.000 người dân trưởng thành có tài khoản công dân số, đạt tỷ lệ khoảng 50%. TP giảm TTHC đáng kể nhờ kho dữ liệu cá nhân, kho dữ liệu kết quả TTHC số. Hiện nay, TP đang sử dụng kết quả giải quyết TTHC đã cấp trước đó để giảm 180 TTHC cấp lại, chiếm 10% tổng TTHC của TP.

Địa phương này cũng có nhiều mô hình hay như bưu điện/bưu cục nhận, nộp hồ sơ trực tuyến thay người dân, DN (hiện không thu phí); tổ công nghệ số cộng đồng, “thôn/tổ điện tử”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ nguyên tắc “1 mục tiêu, 2 trụ cột, 3 đột phá, 4 không, 5 tăng cường” trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.

1 mục tiêu chung là cắt giảm chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất người dân, DN. 2 trụ cột gồm kiên quyết cắt giảm TTHC nội bộ và tạo thuận lợi trong dịch vụ công phục vụ người dân, DN. 3 đột phá là pháp lý hóa; số hóa; tự động hóa. 4 không là: Không giấy tờ; không tiền mặt, không tiếp xúc nếu luật không quy định, không để ai bị bỏ lại phía sau. 5 tăng cường gồm: Phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm; công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; đầu tư hạ tầng số; đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số.

Dăm năm trước, không nhiều người nghĩ rằng cuộc sống ngày nay sẽ có nhiều điều tiện lợi như vậy, từ việc giơ điện thoại lên quẹt là có thể trả tiền qua ứng dụng, hay nhiều loại giấy tờ tùy thân tích hợp trong ứng dụng điện tử.

Chuyển đổi số ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ trẻ em đến người cao tuổi. Như Thủ tướng nói, “chuyển đổi số đã đến từng ngõ, gõ từng nhà và đến từng người dân”.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh, TTHC; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho, đã không chỉ tạo sự tiện lợi đơn giản thông thoáng cho người dân và DN; góp phần thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình mới; mà còn “tạo môi trường công khai, minh bạch, trong sạch để cán bộ không mắc phải những sai phạm; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Điểm lại một số thành quả như vậy, để chúng ta khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ “đi tắt đón đầu” trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số; là rất đúng đắn, đã phát huy hiệu quả, ngày càng lan tỏa và đi sâu vào cuộc sống.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/trai-ngot-tu-chu-truong-chuyen-doi-so-post523994.html