Trái ngọt từ đồng lòng
'Khởi nghiệp không bao giờ là muộn. Khởi nghiệp chỉ cần sự quyết tâm, đồng lòng ắt sẽ thành công' là chia sẻ của vợ chồng anh chị Lại Tiến Sơn, Nguyễn Thị Nga, thôn Tứ Thể, xã Đại Phú (Sơn Dương).
Cùng nhau vượt khó
Vợ chồng anh Sơn, chị Nga là bạn đồng niên, đồng môn. Hai anh chị gắn bó với nhau từ nhỏ qua những buổi chiều chăn trâu cắt cỏ. Tình cảm đẹp lớn dần theo năm tháng, họ nên duyên vợ chồng và có với nhau 2 người con. Người xưa vẫn thường nói “Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn” nhưng điều đó không hẳn đúng với anh Sơn, chị Nga. Anh chị đã trải qua nhiều thăng trầm trong con đường khởi nghiệp. May mắn là cả hai luôn nhìn về một phía, chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn trắc trở để làm nên thương hiệu Chả cá Nga Sơn ngày hôm nay.
Vợ chồng anh chị Lại Tiến Sơn, Nguyễn Thị Nga, thôn Tứ Thể, xã Đại Phú (Sơn Dương) đóng gói,
hút chân không chả cá trước khi giao hàng.
Năm 2012, anh Sơn nhận thầu đập Hoa Lũng với diện tích mặt nước 27ha. Trong 3 năm 2012, 2013, 2014 anh đầu tư thả 40 tấn cá giống chủ yếu là cá trôi, cá trắm. Sau 7 năm thả nuôi, số tiền đầu tư lên đến gần 1 tỷ đồng nhưng khi khai thác lại không thuận. Gia đình anh dùng phương pháp đánh lưới bóng để bắt cá. Với phương pháp đánh lưới này, cá khi bị bắt sẽ mất nhớt, trông không được đẹp mắt, để chở xe máy đi bán lẻ cá sẽ nhanh chết. Nhiều lúc cá đánh lên bán có 10 nghìn đồng/1kg không ai mua, nhìn mà xót xa lắm.
Câu chuyện tìm đầu ra cho sản lượng 800 tấn cá là bài toán khó. Sau nhiều đêm bàn bạc, thống nhất ý tưởng vợ chồng anh quyết định làm chả cá. Những ngày đầu bắt tay vào thử nghiệm, với phương pháp thủ công, hai vợ chồng anh chị đã phải ngồi nhổ từng chiếc xương cá vô cùng vất vả. Anh chị đi học cách làm chả cá tại Hà Nội, cá đánh về được mổ sạch, thuê xe chuyển xuống Hà Nội để thử nghiệm cách làm chả cá. Lạ một nỗi, khi làm dưới Hà Nội thì chả rất ngon, đến khi về nhà anh chị làm đúng theo công thức mà chả cá bị bở, không thể xuất bán ra thị trường. Không bỏ cuộc, sau nhiều lần thử nghiệm, tìm kiếm cách làm, bỏ ra khoảng 1 tấn cá để thử trong vài tháng, anh chị cũng tìm ra bí quyết để chả dai, giòn mà không cần sự hỗ trợ của các loại bột.
Từ năm 2020 đến nay, anh Sơn đã đầu tư hơn 200 triệu đồng xây nhà xưởng, máy móc phục vụ làm chả cá. Anh lựa chọn cá trôi để làm chả, theo anh Sơn thì cá trôi tuy nhiều xương nhưng lại là loại cá dai thịt nhất. Anh đầu tư mua máy lọc xương gần 100 triệu đồng để những miếng chả làm ra không còn dính bất kỳ chút xương nào. Để sản phẩm chả cá của gia đình có thể đến được với người tiêu dùng, anh chị đã thành lập Hợp tác xã Chả cá Nga Sơn.
Trái ngọt từ sự đồng lòng
Tham quan và tận mắt chứng kiến quy trình sơ chế cá mới thấy hết sự cầu kỳ khi làm ra một miếng chả cá thơm ngon. Cá sau khi mổ được lọc lấy thịt, mỗi miếng cá được rửa sạch sẽ dưới vòi nước to, chắc vì lẽ đó mà thịt cá trắng phau không có mùi tanh. Chả cá Nga Sơn là sự kết hợp của thịt cá, chút mỡ lợn, hành, tiêu, thì là, tuyệt nhiên không cho bột. Vì vậy mà miếng cá không bị phồng, xốp khi chế biến, ăn đậm đà ngọt thanh. Hiện chả cá của Hợp tác xã đang cung cấp cho thị trường Hà Nội, Hà Giang và một số trường học tại huyện Sơn Dương.
Với số lượng cá mổ hàng ngày khá lớn, mỗi ngày thừa nhiều đầu, ruột, xương, anh chị mua thêm ba ba, gà để tận dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến. Đầu cá được nghiền nhỏ nuôi ba ba, xương cá sấy khô nghiền nuôi gà, ruột cá và da cá ủ làm phân tưới cây. Vậy là thành quy trình tuần hoàn khép kín!
Sản phẩm chả cá của Hợp tác xã Chả cá Nga Sơn hiện đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Đây là động lực giúp anh chị tiếp tục cố gắng phấn đấu mỗi ngày. Chị Vũ Thị Linh, Thành phố Hà Giang cho biết, hơn một năm nay chị đã tin tưởng lựa chọn sản phẩm chả cá Nga Sơn cho bữa ăn của gia đình mình. Chị thường hấp hoặc cho vào nồi chiên không dầu giữ nguyên được hương vị tự nhiên của chả cá. Món ăn vừa nhanh gọn, đơn giản, ngon miêng đã nhận được sự yêu thích từ các thành viên trong gia đình.
Hiện tại, Hợp tác xã của gia đình anh Sơn, chị Nga đang tạo việc làm cho 7 người lao động trên địa bàn xã với mức thu nhập 250 nghìn đồng/ngày. Mỗi tháng Hợp tác xã xuất bán ra thị trường khoảng hơn 3 tạ chả với giá giao buôn 160 – 180 nghìn đồng/1kg. Nhiều đơn hàng đặt vận chuyển vào Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh mà anh Sơn chưa dám nhận vì sợ không đáp ứng đủ đơn hàng. Sắp tới, gia đình anh chị sẽ đầu tư xây dựng thêm kho lạnh, tuyển thêm công nhân mở rộng thị trường để sản phẩm chả cá Nga Sơn được nhiều người biết đến.
Ở tuổi gần 50, hai vợ chồng anh Sơn, chị Nga vẫn đang miệt mài cố gắng từng ngày. Hy vọng rằng, sản phẩm chả cá Nga Sơn, trái ngọt từ sự chung sức, đồng lòng của vợ chồng anh Sơn, chị Nga đã, đang và sẽ tiếp tục được mọi người đón nhận.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/trai-ngot-tu-dong-long-173197.html