'Trái ngọt' từ tình yêu với biên cương và người lính
Nghề báo là công việc đặc thù, ánh hào quang luôn đi kèm với hiểm nguy, vất vả. Điều đó càng đúng hơn với đội ngũ những người làm báo mang quân hàm xanh, khi mà không gian tác nghiệp của họ là nơi xa xôi, khó khăn, biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Để theo đuổi được ước mơ làm nghề báo, nhiều phóng viên đã không quản ngại gian khổ, xông pha trong mỗi lần tác nghiệp, hái 'quả ngọt' là những tác phẩm báo chí tâm huyết, mang lại nhiều giá trị tích cực đến với độc giả.
Ít người biết, để có được những tác phẩm trên mặt báo với hàm lượng thông tin giá trị, những người làm báo đã trải qua bao nỗi vất vả, gian nan, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ có ai từng trải qua mới thấu hiểu hết. Nguy hiểm là thế, nhưng có những nhà báo lại “ưa” ghi dấu tác phẩm của mình ở những nơi gian khó với những đề tài độc đáo, mới lạ nhưng cũng phản ánh cuộc sống, chiến đấu nơi biên cương, hải đảo một cách chân thực nhất.
Thượng tá Lê Văn Chương là phóng viên của Báo Biên phòng thường trú ở địa bàn miền Trung. Bút danh của anh được độc giả trong và ngoài lực lượng Biên phòng nhớ tới với những tuyến đề tài “lạ”, tạo được “chất” riêng, khó lẫn với những tác giả khác. Đặc biệt, ở anh, người ta nhận thấy rõ niềm đam mê với nghề báo, từ sự lặn lội đến nơi xa xôi, nguy hiểm đến việc rong ruổi theo ngư dân trên những con sóng bạc, anh theo đuổi đề tài đến cùng.
Yêu thích nghề báo bởi khi làm nghề luôn được tiếp cận cái mới, được hòa mình vào dòng chảy thời đại là điều dễ thấy ở nhiều phóng viên, nhưng khó duy trì bền bỉ nếu không có một tình yêu đặc biệt với nghề. Theo năm tháng, độc giả vẫn thấy một nhà báo Lê Văn Chương nhiệt thành với công việc, tình yêu với nghề báo lúc cháy âm ỉ, khi lại sục sôi.
Ở những tác phẩm của nhà báo Lê Văn Chương, độc giả dễ hình dung được nhịp sống bình dị, mộc mạc của đất và người những nơi anh đi qua. Những câu chuyện mà cây bút Lê Văn Chương mang tới cho độc giả có thể là những điều mới lạ nhưng cũng có thể là vấn đề không mới nhưng góc nhìn độc đáo, cách thể hiện lại mới mẻ. Anh còn gom những “lát cắt” cuộc sống, từ những tác phẩm hình thành nhiều tập sách hay, bổ ích, được xuất bản và phát hành rộng rãi trên cả nước như: “Kể chuyện Hoàng Sa”, “Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa”...
Nhà báo Lê Văn Chương chia sẻ: "Là phóng viên của Báo Biên phòng thường trú ở địa bàn miền Trung, “địa bàn trọng điểm” tôi thường chọn là những vùng đất còn nhiều gian khó với những câu chuyện chạm vào trái tim bạn đọc. Ở địa bàn miền Trung, tuyến biển và trọng điểm là khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi luôn có những câu chuyện mang tính hình tượng về những ngư dân kiên cường bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Bản thân tôi xác định các ngư dân này như những người lính Biên phòng nơi biên hải của Tổ quốc. Vì vậy, tôi luôn bám sát, dõi theo các ngư dân, truyền tải kịp thời thông tin, hình ảnh về bà con để mọi người chung tay hướng về hỗ trợ bà con. Từ những câu chuyện đó được tôi chuyển thành những trang viết ký sự, phóng sự mang đậm hơi thở cuộc sống. Kết quả, những năm gần đây, bản thân tôi đã 5 lần đoạt giải A, B giải báo chí ở các địa phương, đạt giải B giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại".
Bằng tình thương và trách nhiệm, Thiếu tá Phạm Ngọc Anh, phóng viên Điện ảnh - Truyền hình BĐBP đang miệt mài ngày đêm “4 cùng” với chiến sĩ Biên phòng và nhân dân ở khu vực biên giới. Những hình ảnh, thước phim anh ghi lại đều phản ánh nhịp sống, hơi thở của mỗi vùng đất anh đi qua, từ đó khắc họa rõ nét cuộc sống, chiến đấu của người lính Biên phòng và đồng bào nơi biên cương, hải đảo, góp phần lan tỏa tới công chúng trong và ngoài nước. Để có được những tác phẩm truyền hình giá trị, Thiếu tá Phạm Ngọc Anh luôn tìm tòi, làm mới mình và học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tác nghiệp nhằm bắt kịp thời đại và xu hướng tiếp nhận thông tin của độc giả.
Xông xáo, nhiệt tình và tâm huyết, trách nhiệm với công việc là điều ai cũng nhận thấy ở Thiếu tá Phạm Ngọc Anh. Sau mỗi chuyến đi, anh lại hồ hởi chia sẻ với đồng nghiệp những điều mắt thấy tai nghe, những câu chuyện mang giá trị nhân văn sâu sắc mà anh ghi lại được. Đó là câu chuyện về cậu bé Thạo Phe có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở bản Đán, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, Lào được Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, BĐBP Sơn La đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”.
Với “mệnh lệnh trái tim” của người lính, Thiếu tá Phạm Ngọc Anh đã cho ra đời tác phẩm truyền hình “Cha nuôi” nhằm lan tỏa điều tích cực đó. Tác phẩm “Cha nuôi” của anh đã xuất sắc đoạt giải A, Giải báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023, thể loại phát thanh - truyền hình. Tác phẩm đã phản ánh sinh động tình yêu thương đặc biệt của những người “cha nuôi” Biên phòng trên khu vực biên giới nước bạn Lào. Qua đó, giúp truyền đi thông điệp về tình yêu thương “xuyên biên giới” của lực lượng BĐBP trong thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, gắn kết thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Đại úy Nguyễn Viết Lam, phóng viên Báo Biên phòng cũng là một cây bút xông xáo, nặng trĩu suy tư về biên giới và BĐBP. Hành trình 15 năm công tác ở Báo Biên phòng, may mắn lớn nhất đối với Đại úy Nguyễn Viết Lam có lẽ là được đi đến rất nhiều vùng miền trên các tuyến biên giới khác nhau của Tổ quốc.
“Sau mỗi chuyến đi, tôi thêm yêu, thấu hiểu về những khó khăn, vất vả của đồng đội và đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Chính vì lẽ đó, có những vấn đề tôi viết luôn sau khi trở về, nhưng cũng có đề tài phải dành thời gian dài nhìn nhận, lắng nghe thêm rất nhiều. Trong quá trình viết, tôi luôn trăn trở đưa được những câu chuyện, tình tiết để làm sao miêu tả chân thực sự vất vả, hy sinh, đồng thời khẳng định niềm tin, sự lạc quan của quân dân nơi biên giới. Có những vùng đất đã đi qua nhiều năm trước, rồi tôi muốn, tìm cách được trở lại để cảm nhận sự vươn lên của con người để làm đổi thay, khởi sắc quê hương” - anh chia sẻ.
Trong năm 2023, phóng viên Nguyễn Viết Lam đã thực hiện được một trong những ước mơ lớn nhất của cuộc đời mình là ra thăm quân, dân Trường Sa và tác nghiệp ở vùng đất nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Trên hải trình dài, anh luôn lắng nghe và may mắn gặp được nhiều nhân vật có mối liên quan đến quá trình chiến đấu, bảo vệ, xây dựng Trường Sa. Rồi khi đặt chân lên đến các đảo của quần đảo Trường Sa, anh được nghe nhiều câu chuyện về quá trình thực hiện nhiệm vụ, lao động sản xuất của quân và dân trên biển đảo.
Anh cho biết: “Tôi xúc động vô cùng trước sự hi sinh thầm lặng của những người con đất Việt. Sau chuyến đi, tôi đã viết loạt bài 4 kỳ “Tự hào Trường Sa thiêng liêng”. Tác phẩm là những câu chuyện rất chân thật, lồng vào đó là tấm lòng của cá nhân đối với quân và dân Trường Sa. Trong suốt 15 năm làm nghề báo, tôi đạt được khá nhiều giải báo chí lớn mà chủ đề, nhân vật trong các tác phẩm là quân và dân biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Tôi nghĩ rằng, thành công đó không chỉ xuất phát từ việc phát hiện đề tài, cách diễn đạt, mà còn là tấm lòng của tác giả đối với quê hương, đất nước”.