Trái phiếu doanh nghiệp năm 2025: Kỳ vọng tiếp tục khởi sắc

Năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, diễn biến theo chiều hướng tích cực với tổng giá trị phát hành tăng mạnh, sau quãng thời gian dài ghi nhận sự sụt giảm về quy mô phát hành.

Bước sang năm 2025, các chuyên gia cho rằng, với sự hỗ trợ của một số yếu tố tích cực, thị trường này sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc, dù áp lực đáo hạn là không nhỏ.

Đã có sự cải thiện mạnh mẽ

Ngành Ngân hàng chiếm phần lớn giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Đỗ Tâm

Ngành Ngân hàng chiếm phần lớn giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Đỗ Tâm

Sau giai đoạn khủng hoảng về niềm tin khiến quy mô phát hành sụt giảm mạnh trong năm 2022 và hồi phục nhẹ trong năm 2023, đến năm 2024 thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự cải thiện mạnh mẽ hơn.

Theo FiinRatings - một tổ chức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 tính đến ngày 31-12-2024 đã đạt 443.700 tỷ đồng (giá trị phát hành riêng lẻ chiếm 92%), tăng gần 27% so với năm 2023. Trong đó, ngành Ngân hàng chiếm tới 67,1% tổng thị trường, với giá trị phát hành gần 300.000 tỷ đồng, cho thấy đây là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Trong khi đó, thị trường bất động sản, dù chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét, vẫn có tới 27 doanh nghiệp thành công trong việc huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kỳ hạn phát hành rút ngắn còn 2,65 năm so với 3,72 năm vào năm 2023 và lãi suất là 11,13%, tăng so năm liền trước. Những con số này phản ánh khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn dài hạn và áp lực tài chính lớn của doanh nghiệp bất động sản.

Đáng chú ý, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra sôi động. Theo số liệu từ Hiệp hội Trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, trong năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 217.212 tỷ đồng và ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 74,2% tổng giá trị (tương ứng khoảng 161.225 tỷ đồng). Đồng thời, nhiều doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc nợ, đàm phán thành công việc gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu, nhờ đó áp lực đáo hạn về cuối năm 2024 đã giảm đáng kể.

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đi vào hoạt động được hơn một năm (từ tháng 7-2023), ghi nhận vận hành an toàn, thông suốt, quy mô thị trường đã có sự phát triển mạnh mẽ, đi kèm với đó là sự cải thiện về tình hình phát hành trên thị trường sơ cấp.

Năm 2024, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt hơn 1.084.169 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt 4.336 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 122% so với bình quân năm 2023. Đến ngày 31-12-2024, có tới 1.174 mã trái phiếu của 251 tổ chức phát hành đang được ghi nhận trên hệ thống giao dịch, với giá trị đạt hơn 902.952 tỷ đồng.

Thúc đẩy niềm tin thị trường

Theo dự báo, trong năm 2025, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là hơn 210.000 tỷ đồng; trong đó, 57,1% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản; tiếp đến là nhóm ngân hàng với 19,5%. Từ đây, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý III-2025.

Giám đốc phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, áp lực đáo hạn trái phiếu trong năm 2025 lớn, song có một số thuận lợi như: Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã đi qua; tâm lý nhà đầu tư giảm quan ngại hơn và nhà đầu tư cá nhân có thể quay trở lại đầu tư vào kênh trái phiếu khi đầu tư trên thị trường cổ phiếu khó khăn. Bên cạnh đó, lãi suất thấp có thể khiến doanh nghiệp đẩy mạnh huy động vốn từ kênh trái phiếu.

Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành quyết liệt trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, cùng với kỳ vọng những chính sách mới bao gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đi vào cuộc sống có thể giúp thị trường bất động sản phục hồi rõ nét từ nửa cuối năm 2025, từ đó sẽ tác động tích cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp...

Theo chuyên gia của Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, ngoài việc tăng cường minh bạch thông tin, sẽ ngăn chặn hoạt động đầu tư rủi ro cao của nhà đầu tư cá nhân. Thứ nhất, các công ty có rủi ro cao sẽ bị hạn chế phát hành trái phiếu ra công chúng. Thêm nữa, tổ chức phát hành sẽ phải tuân thủ các tiêu chí chặt chẽ hơn, như tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ; điều kiện về người đại diện trái chủ và xếp hạng tín nhiệm theo quy định.

Ngoài ra, đối với phát hành riêng lẻ, trái phiếu riêng lẻ không còn được phân phối và bán cho các nhà đầu tư cá nhân, trừ khi họ được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp và các trái phiếu đó được xếp hạng cũng như phải được ngân hàng bảo lãnh thanh toán hoặc có tài sản bảo đảm. Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhấn mạnh vào việc bảo vệ nhà đầu tư và bảo đảm sự tăng trưởng bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây sẽ là những điều kiện thúc đẩy thị trường tiếp tục được cải thiện và hoạt động phát hành sôi động hơn trong năm 2025.

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-nam-2025-ky-vong-tiep-tuc-khoi-sac-690931.html