Trái phiếu doanh nghiệp: 'Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai'
Niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều tín hiệu hồi phục đáng kể, quay trở lại là kênh dẫn vốn quan trọng của doanh nghiệp.
Tái cơ cấu nợ trái phiếu
Với đà giảm lãi suất hiện nay, nhà đầu tư không còn mặn mà gửi ngân hàng như thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023. Khảo sát cho thấy, dòng tiền đang dần đổ về kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhờ những nỗ lực về mặt chính sách.
Trước đó, thị trường TPDN phát triển cực "nóng" với không ít khó khăn liên quan đến nội tại của doanh nghiệp khi huy động lượng trái phiếu lớn trong khi việc sử dụng vốn chưa được hiệu quả. Từ sự cố của hàng loạt doanh nghiệp đình đám như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,... "quả bom" trái phiếu lan rộng sang nhiều kênh đầu tư khác khiến không ít quỹ đầu tư đứng trước nguy cơ mất thanh khoản tạm thời, hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Điều này khiến nhà đầu tư mất niềm tin và không muốn "chôn" vốn vào thị trường trái phiếu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt cũng bị ảnh hưởng của thị trường TPDN khiến dòng tiền bị đứt đoạn.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp rất quyết liệt để bình ổn lại thị trường TPDN. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang nỗ lực tổ chức triển khai các chỉ đạo không chỉ trong lĩnh vực TPDN, mà còn triển khai các giải pháp đối với thị trường liên thông lẫn nhau với thị trường TPDN như thị trường bất động sản, tín dụng, tiền tệ.
Cụ thể, Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ là nền tảng pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và giải quyết nợ trái phiếu nói riêng. Kể từ khi Nghị định được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu thành công thông qua việc tái cơ cấu nợ trái phiếu.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đàm phán với nhà đầu tư tái cơ cấu lại nợ trái phiếu và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đồng thời có thêm thời gian để ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp để phục hồi.
Theo tổng hợp của VNDirect, tính đến ngày 26/7, đã có 38 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn trái phiếu với trái chủ và đã báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX); tổng giá trị trái phiếu được gia hạn hơn 52.500 tỷ đồng.
Một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ 1 tháng đến 2 năm, lãi suất được thỏa thuận tăng 0,5-3% so với lãi suất ban đầu như Sovico, Novaland, hay Hưng Thịnh Land...
Ngoài ra, Nghị định 08 có hiệu lực cũng khiến cho thị trường TPDN có thêm "động lực" quay trở lại đường đua "tiếp" vốn. Theo thống kê, từ đầu năm đến ngày 28/7, khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 62.300 tỷ đồng, chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng. Trong đó, tính riêng từ thời điểm Nghị định 08 có hiệu lực (đầu tháng 3/2023), hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu đã được phát hành; đồng thời, giá trị các lô trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành cũng tăng cao hơn.
Vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ
Tháng 7 vừa qua, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã chính thức được khai trương. Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ góp phần thúc đẩy thanh khoản thị trường.
Việc này đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thông tin về thị trường thứ cấp, từ đó đưa ra các chính sách về quản lý, phát triển thị trường cũng như quyết định đầu tư phù hợp hơn. Trước đây, việc giao dịch TPDN riêng lẻ được thực hiện tại các tổ chức lưu ký, trong đó hình thức giao dịch chủ yếu là chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư và chuyển nhượng giữa nhà đầu tư và tổ chức lưu ký.
Sàn giao dịch TPDN riêng lẻ giúp minh bạch thị trường, lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư đối với kênh này. Sự minh bạch của sàn giao dịch thể hiện ở việc tiền mua, tiền bán trái phiếu sẽ được kết nối, thanh toán ngay lập tức.
Bên cạnh đó, một lợi ích quan trọng khác của sàn giao dịch TPDN tập trung là nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành. Sàn đưa ra các tiêu chuẩn và kiểm duyệt chặt chẽ các trái phiếu lên sàn, đồng thời, công khai minh bạch thông tin, để giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đúng đắn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức Tài chính (Bộ Tài chính), nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường thứ cấp phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nắm bắt được các rủi ro của doanh nghiệp phát hành, không phải là rủi ro của các tổ chức phân phối và nó cũng khác với tiền gửi tiết kiệm.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải đánh giá được đầy đủ các rủi ro để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức Tài chính cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là giải pháp quan trọng giúp thị trường TPDN vận hành tốt theo hướng bền vừng. Bởi có như vậy doanh nghiệp mới có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, qua đó sẽ có dòng tiền để trả nợ nói chung và nợ TPDN nói riêng.
Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để giúp thị trường minh bạch hơn, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành cũng như của nhà đầu tư trái phiếu, các tổ chức cung cấp dịch vụ và phát triển hệ thống nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức.
Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Phía doanh nghiệp cũng mong đợi Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu nợ trái phiếu, thúc đẩy thị trường hồi phục.
Về lâu dài, để phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, rà soát lại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay, gồm cả hoạt động đầu tư và kinh doanh TPDN và hoạt động tái cơ cấu nợ trái phiếu,...