Trái táo cắn trộm, nhành vải ăn trụi cuống trong siêu thị… và bài học từ thói ích kỷ
Câu chuyện ngang nhiên dùng đồ và thải rác bừa bãi tại hai siêu thị trong khoảng thời gian vừa rồi, vốn cũng chỉ là vài gạch đầu dòng trong đề bài toán ý thức với đáp án 'giải hoài không ra'.
Môi trường xung quanh vốn có tác động rất lớn đến sự phát triển ý thức hệ của mỗi cá nhân. Đó là lý do vì sao người ta cứ tranh cãi mãi về việc “Anh A ra nước ngoài thì văn minh lắm, chỉn chu lắm. Nhưng cứ về tới quê nhà là luộm thuộm” hay “Tối nào cô B cũng lướt Facebook rồi chỉ trích người này vô duyên, người kia thiếu ý thức. Thế rồi chỉ vài hôm sau, hình ảnh cô B mải mê vặt chùm vải trên quầy hàng của siêu thị rồi vô tư đưa lên miệng nếm tì tì đã tràn lan trên mạng xã hội”.
Còn nhớ cách đây độ vài chục hôm, 15 siêu thị Auchan nằm trong danh sách sẽ đóng cửa vào đầu tháng 6 đã được phen thở dài ra nước mắt khi đứng nhìn khách hàng xới tung hàng hóa để lựa chọn, xé bao bì, khui hộp… sản phẩm, thậm chí ăn uống và vứt rác ngay giữa siêu thị. Từ Auchan TP. HCM tới Auchan Tây Ninh, những gói bim bim bị xé toạc, cái bánh gặm một nửa, thanh socola chỉ còn tem dán, trái táo đã héo và được hô biến thành biểu tượng của dòng thoại lớn nhất thế giới - Apple, nhờ vào 1 vết cắn vụng trộm… tất cả tạo nên một cảnh tượng bát nháo 'chưa từng thấy'.
Mới đây, những cuống vải trơ trọi trước tấm biển 'không dùng thử' bất lực của thị siêu thị lại lần nữa khiến người ta một lần lắc đầu ngán ngẫm.
Trái táo cắn vội và chuyện về ý thức hệ của một cộng đồng đang diễn ra.
Không ai có thể ngờ ý thức của một bộ phận người tiêu dùng lại kém tới như vậy.
Tất nhiên, những chuyện thiếu văn hóa, thiếu ý thức cũng như cách ứng xử lạ kỳ của một bộ phận người thì không phải bây giờ mới xuất hiện. Từ sự lặp đi lặp lại rồi bỗng thành thói quen như lấn làn, vượt đèn đỏ, chen ngang hàng… tới những chuyện vài ba bữa xuất hiện một lần như hôi của từ xe gặp tai nạn, hò nhau chen lấn lấy (và ăn thử) đồ giá rẻ trong siêu thị… có ai nghe qua mà không buông lời chê bai?
Không phải do thiếu tri thức, những biểu hiện thiếu văn hóa này đích thị đến từ căn bệnh vô ý thức. Mà căn nguyên của nó, lại bắt đầu từ hạn chế trong giáo dục xã hội tại nhà trường cũng như cách ứng xử tiếp nhận từ chính các mối quan hệ trong gia đình. Chao ôi là lằng nhằng. Nhưng nếu nói rằng việc hành động lệch đi so với chuẩn mực chung của xã hội là một biểu hiện của quan điểm “nâng cao cái tôi cá nhân, lợi ích bản thân” thì cũng chẳng chệch chút nào.
Mới đây cảnh chen lấn ăn trụi vải tới cuống trước biển 'không ăn thử bất lực' của siêu thị cũng khiến nhiều người ngán ngẫm
Cảnh tưởng bát nháo diễn ra sau đó vài ngày tại một siêu thị khác.
Chẳng có chế tài pháp lý nào đủ linh hoạt để đàn áp, chữa trị được căn bệnh này. Không vi phạm pháp luật, tất cả chỉ dừng lại ở mặt đạo đức, chúng ta lấy gì để giải quyết? Thậm chí trong một số trường hợp, sự thiếu vắng việc lên án và tẩy chay còn tạo điều kiện để căn bệnh thiếu ý thức ngày một phình to, dù ai cũng biết, văn hóa ứng xử ì trệ là đạo đức chung của xã hội sẽ xuống cấp.
Đâu xa, nhìn ngược lại câu chuyện buồn tại hai siêu thị mới đây, sự thiếu ý thức rõ ràng xảy ra trên diện rộng. Không phải một cá nhân, mà là nhiều cá nhân cùng nhau tạo ra thảm cảnh mì gói, bánh kẹo vương vãi khắp sàn, lốc sữa thiếu mất vài hộp, quả táo cắn dở đặt lại trên kệ hàng hay thậm chí đồ sứt mẻ giấu vội dưới những món hàng khác. Không phải một người, mà là nhiều người thản nhiên xé lẻ chum vải, bóc vỏ ăn tại chỗ dù chẳng thấy bóng dáng bất cứ tấm bảng “miễn phí ăn thử” nào bên cạnh. Trong cả hai trường hợp, chưa một ai thanh toán số tiền cho những món đồ họ chạm vào. Vậy mà họ vẫn mặc nhiên để lại bãi chiến trường tan hoang và buộc người tới sau phải chịu hậu quả cho những gì họ để lại.
2 câu chuyện đáng buồn diễn ra liên tiếp.
Tất nhiên, đâu phải chúng ta không có những thói quen tốt. Nhưng phàm cứ thứ gì xuất hiện rải rác và nhỏ lẻ, sẽ nhanh chóng rơi vào lãng quên, thậm chí bị những thói quen xấu khác lấn át. Nhắc nhỏ để ta nhớ, thói quen xấu ấy lại được phần đông chấp nhận, chịu đựng và thỏa hiệp như một phần khó bỏ (hoặc có bỏ cũng chẳng khiến mình thêm lợi) của cuộc sống.
Tại sao lại nói đó là thói quen xấu được người người làm theo và người người chịu đựng? Bởi chính chúng ta cũng góp phần tạo nên tình trạng ấy. Nhịp sống hối hả này chắc hẳn khiến không ít người mất đi kiên nhẫn xếp hàng, chờ đèn đỏ. Sự cạnh tranh thứ hạng khiến các mối quan hệ luôn được ưu tiên. Tính ích kỷ mong phần lợi nhiều nhất về mình khiến sự tùy tiện được bộc phát thật tự nhiên và ngang nhiên.
Tất cả được hình thành bởi sự ích kỷ, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu.
Câu chuyện ngang nhiên dùng đồ và thải rác bừa bãi tại hai siêu thị trong khoảng thời gian vừa rồi, vốn cũng chỉ là vài gạch đầu dòng trong đề bài toán ý thức với đáp án “giải hoài không ra”. Sẽ còn vô số điều nữa mà chúng ta không thể thực hiện được, vì ta lỡ đặt sự tiện lợi cho bản thân lên đầu. Mà trớ trêu thay, đó đều là những việc nhỏ nhặt.