'Trải thảm đỏ' với Huawei, Nga đứng về phía Bắc Kinh trong thương chiến với Mỹ?
Theo AFP, trong khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) với cáo buộc các thiết bị của tập đoàn này được sử dụng như một công cụ do thám thông tin, Nga lại 'trải thảm đỏ' và cho phép nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới phát triển mạng 5G tại xứ Bạch dương.
Việc Nga “trải thảm đỏ” đối với Huawei không có nghĩa là tập đoàn Trung Quốc sẽ đơn độc trong cuộc đua phát triển mạng 5G tại nước này. (Nguồn: Fox News)
Cụ thể, trong tháng 9, Huawei đã hợp tác với nhà mạng MTS của Nga để mở khu thử nghiệm mạng 5G đầu tiên tại Moscow với mục đích triển khai dịch vụ này đến toàn bộ thủ đô của nước Nga.
Hợp đồng hợp tác giữa Huawei và MTS được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6/2019 - tháng cao điểm của cuộc xung đột giữa Washington với Huawei.
Các chuyên gia phân tích cho rằng động thái của Moscow, bên cạnh nỗ lực nhằm mang đến kết nối Internet tốc độ rất cao cho người dùng công nghệ, còn nhằm thể hiện sự đồng tình với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Phủ sóng 5G tại các thành phố lớn trước 2024
Phát biểu tại lễ ra mắt khu thử nghiệm mạng 5G, Giám đốc điều hành chi nhánh Huawei tại Nga Zhao Lei đã ca ngợi hoạt động của tập đoàn sau 22 năm tồn tại và phát triển tại nước này.
Giám đốc Zhao Lei nói thêm rằng Huawei, được đánh giá là tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ 5G, đang lên kế hoạch để tiếp tục “dẫn đầu sự phát triển của hệ thống mạng 6G” trong tương lai. Ngoài ra, Huawei cũng là hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới.
Một nguồn tin trong cộng đồng nghiên cứu 5G tại Nga cho biết, Huawei là nhà đầu tư lớn nhất trong dự án phát triển các công nghệ di động tại nước này, với phòng thí nghiệm nghiên cứu lớn nhất trong số các nhà cung cấp mạng viễn thông tại Moscow.
Là nước tiên phong về mạng viễn thông so với nhiều nước phương Tây, Nga có kế hoạch đến năm 2024 sẽ triển khai cung cấp mạng 5G tại tất cả thành phố lớn của nước này. Chính quyền Moscow cho biết trong vài năm tới, mạng 5G sẽ trở thành một phần trong cơ sở hạ tầng thông thường của thành phố.
Nhật báo Vedomosti đưa tin hiện nay Huawei đã tuyển 400 người tại Moscow và 150 người tại thành phố Saint Petersburg vào các chương trình phát triển và nghiên cứu di động. Tập đoàn này đặt mục tiêu tuyển thêm 500 nhân viên từ nay đến cuối năm 2019 và thêm 1.000 người trong 5 năm tới.
Đôi bên cùng có lợi
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc Nga “trải thảm đỏ” đối với Huawei không có nghĩa là tập đoàn đến từ Trung Quốc sẽ “đơn độc” trong cuộc đua phát triển mạng 5G tại nước này.
Michela Landoni, nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Fitch Solutions, cho biết: “Các nhà khai thác của Nga đều đang hợp tác với nhiều nhà cung cấp thiết bị 5G, trong đó có Huawei. Hiện chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một nhà cung cấp nổi lên để trở thành lãnh đạo trong việc triển khai mạng ở Nga”.
Nhà phân tích của Fitch Solutions cho biết, hướng tiếp cận này đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà khai thác tại Nga, nhằm tránh tình trạng “phụ thuộc quá mức vào một nhà cung cấp nhất định”, đồng thời để họ tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa về an ninh mạng.
Nga cho phép Huawei phát triển mạng 5G tại nước này giữa lúc ngày càng xuất hiện nhiều quan ngại xung quanh nguy cơ an ninh đối với mạng 5G do tập đoàn của Trung Quốc phát triển.
Giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại và cạnh tranh công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày một căng thẳng, Washington đe dọa sẽ phong tỏa quyền truy cập của Huawei đối với các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, chẳng hạn như hệ điều hành Android mà Huawei sử dụng trên nền tảng điện thoại.
Điều này đã tạo ra cơ hội cho Nga cùng hệ điều hành Aurora của nước này. Ngay sau khi thông tin về việc trừng phạt Huawei được phát đi, Nga đã chủ động cung cấp hệ điều hành Aurora cho tập đoàn Trung Quốc.
Nhận định về vấn đề này, nhà phân tích Landoni đã nói rằng nếu như trước đây Android là lựa chọn yêu thích của Huawei thì Aurora có thể là “giải pháp ngắn hạn”. Theo đó, đây là cơ hội để Aurora trở thành “bước đệm” trong quá trình phát triển hệ điều hành của riêng Huawei.
Trong khi đó, theo chuyên gia Sylvain Chevallier đến từ công ty tư vấn công nghệ Bearpoint, cả Moscow và Bắc Kinh đều đang cố gắng thoát khỏi sự độc quyền của Mỹ đối với các hệ điều hành điện thoại thông minh.
Evgeny Khorov, Giám đốc Phòng thí nghiệm Mạng không dây tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết đối với các rủi ro gián điệp mà Washington đã cảnh báo, Nga hầu như không lo lắng bởi vì nguy cơ bị “đánh cắp” dữ liệu từ việc sử dụng các thiết bị di động nước ngoài có thể xảy ra với bất cứ nhà cung cấp nào, cho dù đó là Huawei, Ericsson hay một công ty nào khác.
Cuộc đua chưa có hồi kết
Ngoài Nga, tại châu Á, Malaysia cũng là một trong những quốc gia tiên phong trong việc “mở rộng cửa” đối với nhà sản xuất thiết bị di động của Trung Quốc. Mới đây, Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện Gobind Singh Deo khẳng định nước này đang có ý định giới thiệu dự án 5G vào tháng tới, nhằm tiến tới kế hoạch triển khai mạng di động 5G đầu tiên tại Malaysia vào năm 2020.
Như vậy, Malaysia sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ra mắt mạng di động thế hệ thứ 5. Đồng thời, ông Gobind Singh Deo lưu ý, tập đoàn Huawei cũng sẽ tham gia thử nghiệm mạng 5G tại nước này.
Theo vị Bộ trưởng này, Malaysia chủ trương triển khai mạng 5G càng sớm càng tốt và điều cần thiết là tập trung vào việc sớm tạo ra các khu vực thử nghiệm thí điểm 5G cũng như các dự án demo 5G trên toàn quốc.
Theo Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSMA), nếu Malaysia làm như vậy, thì đến năm 2025, 1/5 các kết nối di động ở nước này sẽ được thực hiện thông qua hệ thống mạng 5G.
Huawei đang có cơ hội trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ truyền thông thế hệ thứ 5. Tập đoàn phát triển rất nhanh chóng các sản phẩm hoàn chỉnh và nhận được nhiều bằng sáng chế công nghệ. Điều đó cho thấy rõ rằng Trung Quốc không thể bị bỏ qua trong thế giới 5G.
Tuy nhiên, Washington vẫn chưa thông qua quyết định về các băng tần cho mạng 5G. Các băng tần hiện được phân bổ ở Mỹ khác với băng tần mà hầu hết các quốc gia ở châu Âu và châu Á đã chấp nhận.
Trong khi đó, Huawei đang tạo ra các thiết bị có chú ý đến các băng tần đó. Tính đến cuộc đối đầu với Huawei mà Mỹ đã phát động, có thể giả định rằng trong tương lai sẽ có hai hệ tiêu chuẩn cho mạng 5G cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực 5G sẽ không có lợi cho người dùng và không phục vụ lợi ích phát triển công nghệ.
Mặc dù vậy, vào thời điểm này, tiêu chuẩn của Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua. Đến ngày 1/10, mạng lưới thương mại 5G sẽ bắt đầu hoạt động tại 40 thành phố đầu tiên của Trung Quốc.
Huawei đã ký kết hơn 50 hợp đồng với nước ngoài về xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G và đã lắp đặt khoảng 150.000 trạm gốc 5G trên toàn thế giới. Đến cuối năm nay, con số này dự kiến sẽ tăng đến 500.000 trạm.