Trái tim còn đập, còn xây dựng cuộc đời tươi đẹp hơn
Thương binh Nguyễn Hữu Thời, Đoàn đại biểu người có công tỉnh An Giang ra thăm Thủ đô Hà Nội, đã chia sẻ điều này trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tại trụ sở Chính phủ, chiều 6/9.
An Giang là địa danh giàu truyền thống cách mạng. Trải qua các cuộc kháng chiến, nhiều người con của An Giang đã ngã xuống vì nền độc lập của nước nhà. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân An Giang luôn kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cùng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh An Giang đã huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách cải thiện cuộc sống, đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng để thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mỗi người con An Giang tri ân người có công với đất nước.
Hiện nay, tỉnh An Giang có 38.000 người có công, trong đó có 10.000 liệt sĩ; 701 Mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó có 30 Mẹ còn sống), trên 5.500 thương binh và 480 bệnh binh. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được các cơ quan, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời, các thương, bệnh binh được chăm lo về nhà ở, hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh ổn định.
Đại diện đoàn người có công tỉnh An Giang, Thương binh ¾ Nguyễn Hữu Thời cho biết dù là thương binh nhưng ông đã tham gia nhiều hoạt động xã hội tại địa phương, trong đó đã mở lớp học tình thương trong suốt 24 năm qua. Nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã trưởng thành, trở thành người có ích.
“Tôi luôn tâm nguyện là một anh bộ đội Cụ Hồ, vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tinh thần cách mạng. Trái tim còn đập, còn xây dựng cuộc đời tươi đẹp hơn”, ông Thời chia sẻ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách "Đền ơn, đáp nghĩa", coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công. Nhiều năm qua, đảng bộ, nhân dân, chính quyền tỉnh An Giang đã cùng nhiều tổ chức, cá nhân nỗ lực đóng góp cho phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”.
“Có đền ơn đáp nghĩa bao nhiêu cũng không đủ cho những hy sinh, xương máu nhưng ai cũng mong muốn những người có công, các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh được tôn vinh, hỗ trợ về vật chất, làm sao để đã là người có công phải có mức sống từ trung bình trở lên”, Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm hơn 30 năm qua, quốc tế đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao liên tục thứ hai thế giới nhưng thành quả tăng trưởng dành phần lớn cho con người, nhất là những đối tượng nghèo, yếu thế. Tuy nhiên, do xuất phát điểm quá thấp, chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh nên có thu nhập bình quân của người dân Việt Nam đứng thứ khoảng 130 trên thế giới.
Vì vậy, nhiệm vụ lớn nhất là làm sao giữ được độc lập, chủ quyền, hòa bình để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, để nâng cao đời sống cho nhân dân nói chung, dành nguồn lực chăm lo tốt hơn cho người có công, gia đình chính sách, những đối tượng yếu thế.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành LĐTB&XH tỉnh An Giang về thực hiện chủ trương bảo đảm mức sống từ trung bình trở lên cho người có công nhưng phải nắm sát thực tế, không chỉ dựa vào cáo cáo.
Gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến người có công tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng mong muốn những người có công tỉnh An Giang bằng sự nêu gương trong đời thường, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường để các thế hệ đi sau vững bước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.