Trái tim hòa nhịp đập của nhân dân
Nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói: 'Đồng chí căn dặn: Học dân, học thực tiễn, chính sách, luật pháp ban hành đừng xa rời cuộc sống. Chúng ta đập nhịp đập của cuộc sống, của trái tim nhân dân thì nhất định hoạt động của Quốc hội sẽ sinh động và hiệu quả'.
Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, 7 khóa Ủy viên Trung ương Đảng, 6 khóa Ủy viên Bộ Chính trị, 5 khóa Đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trải qua nhiều cương vị quan trọng do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đặc biệt với 2 nhiệm kỳ giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội.
Với 2 nhiệm kỳ giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội (CTQH), CTQH Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng cho tổ chức nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh là người có thời gian gắn bó với CTQH Nguyễn Phú Trọng từ khóa XI, với ông Thanh, CTQH Nguyễn Phú Trọng có một cuộc sống giản dị, chân tình.
"Thời kỳ CTQH mới nhận nhiệm vụ, Chủ nhiệm văn phòng và CTQH làm việc ngoài giờ cũng nhiều, tôi nhớ tháng 8/2006, có buổi khai mạc UBTVQH phiên họp 42, cũng lo lắng công việc nên buổi trưa tôi thanh thủ sang trao đổi thêm. Mặc dù thời buổi đó nơi làm việc của Quốc hội còn rất chật hẹp, nhưng chúng tôi vẫn bố trí nơi làm việc của Chủ tịch có chỗ nghỉ trưa và có chỗ tiếp khách. Tôi đến chỗ nghỉ trưa thì không thấy Chủ tịch, sang phòng tiếp khách cũng không thấy, đi đến vào phòng làm việc tôi thấy Chủ tịch đang nằm trên giường bạt cầm tập tài liệu, nằm nghiêng người nghiên cứu. Tôi hỏi Chủ tịch nằm thế này à, sao không nằm ở phòng nghỉ, thì ra anh đã trả phòng nghỉ của mình để bố trí cho một nơi làm việc khác. Một người rất hiền hậu, rất dân dã. Tôi thường dùng cái từ gọi là cuộc sống giản dị của một công bộc cấp cao", ông Bùi Ngọc Thanh kể.
Chính sự giản dị, gần gũi nên ấn tượng của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu đối với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đó là một người có tác phong từ dân mà ra, từ dân mà lên.
"Trong những cuộc tiếp xúc cử tri tôi chưa thấy bao giờ đồng chí Nguyễn Phú Trọng lên ngồi ở trên rồi nhìn xuống cho mọi người vỗ tay, mà đi từ dưới đi lên, bắt tay hai bên hàng ghế. Sau đó mới lên trên ngồi nghe, trả lời. Đó là một thái độ, một cử chỉ của người từ dân mà ra, từ cử tri mà ra chứ không phải đến để ngồi trên mà chỉ đạo", bà Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ.
Có 2 khóa hoạt động cùng CTQH Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội nhớ rất rõ sự khiêm nhường của một nhân cách trí tuệ, tài ba, đầy bản lĩnh khi nhậm chức vào ngày 26/6/2006.
"Phát biểu nhậm chức CTQH, đồng chí đã dẫn hai câu kiều: “Nghĩ mình, phận mỏng cánh chuồn. Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”. Lẩy kiều để bày tỏ lòng mình như vậy chúng ta cũng thấy được sự cẩn trọng khiêm tốn cầu thị của đồng chí khi được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này và cũng là lời hứa quyết tâm và trách nhiệm của mình với Đảng với Quốc hội và với nhân dân", bà Trần Thị Hoa Ry cho hay.
Những đại biểu Quốc hội đã hoạt động ở những khóa XI, XII đều có những ấn tượng đặc biệt với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa 12 Lê Văn Cuông vẫn xúc động khi kể về những phiên điều hành chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
"Bác đã cho tôi được chất vấn bộ trưởng đến 3 lần khi tôi không còn hỏi nữa thì bác mới dừng. Khi thấy bộ trưởng lúng túng thì bác đã gợi ý để bộ trưởng tập trung vào câu trả lời. Vì vậy, phiên chất vấn của tôi diễn ra rất thành công, vừa sôi nổi, hấp dẫn và đầy kịch tính, được dư luận theo dõi ghi nhận đánh giá cao. Bác chỉ đạo với một tầm chiều sâu và trí tuệ và không đao to búa lớn, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội phát huy được, cũng tạo điều kiện cho các bộ trưởng khi trả lời chất vấn cũng bình tĩnh tự tin và trả lời, cả hai đều thắng làm cho nhân dân hài lòng", ông Lê Văn Cuông chia sẻ.
Với những đại biểu lần đầu tham gia cơ quan dân cử như đại biểu Phạm Nam Tiến, đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Nông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, mẫu mực để các đại biểu Quốc hội noi theo.
"Tổng Bí thư luôn gần gũi, luôn giản dị, lắng nghe kiến nghị, đóng góp của cử tri và nhân dân. Và đặc biệt Tổng Bí thư khi nêu ý kiến của mình thì luôn thực hiện hết sức nghiêm túc. Đó là sự giữ gìn uy tín, danh dự của người lãnh đạo, của đại biểu Quốc hội trước nhân dân, cử tri", đại biểu Phạm Nam Tiến nêu rõ.
Với cương vị là Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng luôn gắn bó với Quốc hội, hiểu rõ về tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội và có những dấu ấn đặc biệt.
Kế thừa người tiền nhiệm, tháng 6/2006, khi ở cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để Quốc hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả khóa. Trong một năm điều hành, Quốc hội đã thông qua 13 luật, 11 nghị quyết, trong đó, có 3 nghị quyết rất quan trọng có ý nghĩa lịch sử lớn lao, đó là Nghị quyết Phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị quyết về Phương án quy hoạch xây dựng nhà Quốc hội; và Nghị quyết về việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia khí - điện - đạm Bà rịa - Vũng tàu.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thông qua 67 luật, 13 nghị quyết. Trong đó có nhiều luật tạo cơ sở, nền tảng cho việc xử lý tham nhũng, tiêu cực sau này như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Luật thi hành án dân sự, luật Đặc xá, Luật quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước...
Quốc hội khóa XII có sự thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức, tăng số lượng đại biểu chuyên trách, các cơ quan của Quốc hội, từ 8 cơ quan như các khóa trước đã tăng lên 10 ủy ban.
Cuối nhiệm kỳ khóa XII, với sự chỉ đạo sát sao của Hội đồng bầu cử quốc gia, đứng đầu là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng hệ thống tổ chức bầu cử trong cả nước, lần đầu tiên tiến hành đồng thời một cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (khóa XIII) và cả đại biểu Hội đồng nhân 3 cấp (nhiệm kỳ 2011-2016) đã thành công tốt đẹp. Cuộc bầu cử tiết kiệm được thời gian, tiền của, công sức của cử tri và đã đặt nền móng vững chắc cho các cuộc bầu cử sau này.
Với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân cách trí tuệ, tài ba, đầy bản lĩnh, tư duy khoa học biện chứng, thực tiễn phong phú, lý luận uyên bác, vượt lên những suy nghĩ thông thường. với 80 mươi năm tuổi đời, 57 tuổi Đảng, Đồng chí đã dành cả cuộc đời mình vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, Nhà lý luận xuất sắc của Đảng, suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân.
"Với trọng trách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng mà Đảng, Nhà nước phân công trong đó có cương vị là Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII, đồng chí luôn rất gắn bó với Quốc hội, hiểu rõ về tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội. Đồng chí luôn nhắc nhở mọi người phải dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của Quốc hội, phải có kiến thức chuyên sâu, có sự am hiểu sâu sắc về Quốc hội để có những ý kiến đóng góp, phản biện sắc sảo. Đồng chí căn dặn: học dân, học thực tiễn, chính sách, luật pháp ban hành đừng xa rời cuộc sống. Chúng ta đập nhịp đập của cuộc sống, của trái tim nhân dân thì nhất định hoạt động của Quốc hội sẽ sinh động và hiệu quả", CTQH Trần Thanh Mẫn nêu rõ.
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/trai-tim-hoa-nhip-dap-cua-nhan-dan-post1109219.vov