Trại viết, nhà văn đi chơi hay sáng tác?

Trại sáng tác, trại viết là cái gì? Nói thì lòng vòng, mơ hồ, nhưng ai cũng hiểu trại sáng tác là một nơi chốn nào đó, được một cơ quan nào đó tổ chức cho một số người đến ăn, ngủ nghỉ và sáng tác văn học - nghệ thuật; tác phẩm ra đời bản quyền hoàn toàn thuộc về tác giả, nhưng cũng có khi thuộc về cơ quan tổ chức trại sáng tác vĩnh viễn hoặc một thời gian nhất định.

1. Không biết ở đâu, chẳng biết từ bao giờ xuất hiện danh từ "trại sáng tác" hay còn gọi là "trại viết"? Chỉ biết rằng đầu tiên, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam triệu tập các cây viết toàn quân về Hà Nội sáng tác vào mùa thu năm 1955 thì đã gọi là Trại viết, Trại sáng tác rồi.

Dạo ấy, sau chiến thắng Điện Biên Phủ có rất nhiều gương quân dân chiến đấu dũng cảm, hy sinh và được tuyên dương Chiến sĩ thi đua, phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ nhân dân. Tổng cục Chính trị có chủ trương triệu tập một số cán bộ chiến sĩ đã viết văn, viết báo ở các đơn vị về Thái Hà - Hà Nội tập trung viết về các anh hùng đã được tuyên dương, và gọi là "Trại sáng tác về anh hùng" do nhà văn Từ Bích Hoàng làm trại trưởng. Nguyễn Khải từ Khu 3 lên, Xuân Thiêm từ Sư đoàn 320, Hồ Phương từ Sư đoàn 308 về. Nguyễn Khắc Thứ từ Bình Trị Thiên, Nguyên Ngọc từ Khu 5 ra, Nguyễn Trọng Oánh và Hải Hồ từ Sư đoàn 304, Mạc Phi từ Sư đoàn 316 Tây Bắc cũng về… Hà Mậu Nhai từ Sư đoàn 330, Nguyễn Thi từ Sư đoàn 338 tít trong Nam Bộ cũng ra. Nhà văn Hồ Phương được phân công viết về anh hùng Phùng Văn Khầu, Nguyễn Khải viết về Mạc Thị Bưởi, Mạc Phi viết về Lâm Úy, còn nhà văn Nguyên Ngọc thì viết về Anh hùng Núp… Cán bộ và chiến sĩ ở trong doanh trại quân đội, còn gọi là trại lính, nên các cây bút từ các đơn vị về ở tập trung một chỗ ăn ở, sinh hoạt trong doanh trại như lính, do quân đội tổ chức, có lẽ vì thế mà gọi là Trại sáng tác, là Trại viết chăng? Sau này, nhiều ngành, nhiều đơn vị, cơ quan cũng tổ chức Trại sáng tác, gọi theo, gọi mãi cũng thành quen.

Từ đó đến nay, không thể biết chính xác có bao nhiêu trại viết ở các ngành văn học, hội họa, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh… Có một thống kê của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch), đọc mà giật mình: "Chỉ tính trong giai đoạn 2015-2021, các nhà sáng tác đã tổ chức được 428 trại sáng tác, thực hiện hỗ trợ cho 6.450 lượt văn nghệ sĩ đến sáng tác, cho ra đời hơn 21.000 tác phẩm văn học - nghệ thuật thuộc 10 chuyên ngành: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số và kiến trúc". Chỉ 5 năm ở một trung tâm hỗ trợ sáng tác, số lượng trại viết đã lắm như thế, số nghệ sĩ tham gia đông đúc, số tác phẩm quá nhiều thế; còn bao nhiêu ban, ngành, đơn vị, cơ quan, nhà xuất bản, báo, tạp chí khác cũng tổ chức trại sáng tác… thì số lượng biết bao nhiêu?

2. Trại sáng tác có cần thiết hay không? Một thời đã qua là rất cần. Nhưng càng về sau, đặc biệt là hiện nay có vẻ như là trại sáng tác đã hoàn thành "sứ mệnh lịch sử".

Nhà phê bình văn học Ngô Thảo, từng là Phó tổng thư ký thường trực Hội nghệ sĩ sân khấu cho rằng: "Trại sáng tác là… sản phẩm lỗi thời. Mức sống của nhà văn đã lên, điều kiện xã hội cần tác phẩm khác, không phải loại tác phẩm đi trại sáng tác mà thực hiện được. Nhiếp ảnh, mỹ thuật, dân tộc học cũng đi trại sáng tác như chia phần, có tác giả sân khấu một năm đi mấy trại, chỉ đi chơi thôi. Sự thật là có những người đi trại một cách chuyên nghiệp mà tác phẩm chẳng có gì".

Còn nhà văn Trung Trung Đỉnh, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn thì khẳng định: "Bây giờ tôi thấy trại sáng tác không cần thiết. Trại viết biến thành trại an dưỡng cho một số nhà văn già. Họ đến đây chủ yếu nghỉ dưỡng, tán tào lao và trốn cuộc sống tẻ nhạt của các viên chức hưu". Hiện thực ở các trại sáng tác hiện nay thì ai từng tham dự cũng biết hay dở thế nào.

Ấy là tình trạng tham dự trại sáng tác hầu hết là người nghỉ hưu, người già y như "trại dưỡng lão", gặp nhau toàn nói chuyện tuổi tác, bệnh tật, ít nói chuyện văn chương, mà vắng các cây bút trẻ. Cây bút trẻ đang phải đi làm, chuyện cơm áo gạo tiền và lợi ích từ cơ quan, doanh nghiệp cấp thiết hơn viết văn. Trại sáng tác hầu hết là người nhiều tuổi còn vì hội viên cao niên đông hơn hội viên trẻ, nên tỉ lệ người già được đi trại sáng tác dĩ nhiên cũng nhiều hơn. Người già, người nghỉ hưu thời gian thì thừa, sức khỏe thì thiếu, đặc biệt là đến 90% hết khả năng sáng tạo cho nên chất lượng sáng tác ở trại viết thấp thì cũng chẳng có gì khó hiểu.

Ấy là tình trạng điểm danh chia phần, cứ là hội viên các hội Trung ương hay địa phương thì cũng đều được lần lượt cử đi dự trại sáng tác, mau thì 2 năm một lần, thưa thì 5 năm đến lượt. Địa phương tổ chức thì xe đưa đón tận nơi, Trung ương hoặc cơ quan nào đó tổ chức không có đưa đón thì có phụ cấp hoàn toàn hoặc một phần đi lại; chỗ nghỉ ngủ, ăn uống không mất tiền, mà trại sáng tác toàn ở Tam Đảo, Vũng Tàu, Đà Lạt, Đại Lải, Đà Nẵng, Đồ Sơn, Sa Pa… là những nơi nghỉ mát. Hỏi rằng mấy ai từ chối? Vậy là, tác giả hết khả năng sáng tạo, cạn vốn, cảm xúc trơ lì… vẫn cứ đi trại sáng tác. Đi trại sáng tác không viết được thì nghỉ ngơi, thư giãn. Cho nên, có nhiều người đi chơi là chủ yếu.

3. Cũng có chuyện "lực bất tòng tâm" của trại viết. Có nhà xuất bản, báo, tạp chí tổ chức trại sáng tác đặt hẳn tiêu chuẩn mời các cây bút sung sức tham dự, tham dự là chắc chắn có tác phẩm tốt khi bế mạc. Nhưng, đâu phải cứ muốn là được. Người viết hay thì ở đâu cũng có thể viết được, thậm chí ở nhà điều kiện sống tốt hơn, thì lao động nhà văn đỡ cực nhọc hơn. Người trẻ đang viết sung sức lại bận việc cơ quan, không thể bỏ ra nửa tháng, hay một tuần đi trại viết. Cả gan đi, lúc về có khi mất việc. Vì thế không thể tập trung đông đủ theo danh sách mong muốn. Cho nên, linh hoạt uyển chuyển, mời thì cứ mời, đến dự khai mạc, bế mạc cho đông đủ, cho trại viết thành công rực rỡ, còn lại khoảng thời gian giữa trại viết thì “tùy nghi di tản”, miễn là kết thúc có tác phẩm tốt "nộp quyển".

Tuy nhiên, cũng có nhiều tác giả lấy trại viết làm không gian sáng tác. Ở nhà, bao nhiêu việc lớn nhỏ thời gạo châu củi quế, mà người sáng tác chưa sống được bằng ngòi bút, thời gian bị băm nát vụn ra, không thể liền mạch cảm xúc để viết, nên rất cần một nơi yên tĩnh. Họ báo cáo cơ quan, "xin phép vợ", nghỉ phép, gác lại chuyện mưu sinh cơm áo gạo tiền, dành trọn một tuần hay nửa tháng để quyết liệt sáng tác, hoặc hoàn chỉnh tập thơ, tập truyện ngắn. Cũng có người do áp lực đi trại viết do một nhà xuất bản, tạp chí nào đó mời, được ăn, được ở, được trợ cấp tiền tiêu vặt, bế mạc không có tác phẩm tốt thì cũng ngại, "ăn làm sao, nói làm sao bây giờ" nên dốc sức cho sáng tác. Với những người còn sung sức sáng tạo, thì trại sáng tác rất cần thiết, là nơi để họ sống thật con người nhà văn và sáng tạo. Cho nên câu chuyện đi trại sáng tác với người nọ là cần thiết cho văn chương, với người kia cần thiết cho sức khỏe và nhu cầu nhẹ nhõm tinh thần.

4. Để trại sáng tác có chất lượng và còn cần thiết thì đầu tiên thuộc về những người tổ chức. Ban tổ chức trại sáng tác phải mời đúng tác giả cần mời, chứ không phải "điểm danh chia phần". Cách thức tổ chức trại sáng tác cũng cần khoa học, cụ thể, và linh hoạt.

Trại viết không nhất thiết cứ phải chia đều 15 ngày cho một lần tổ chức, mà nên đầu tư sâu. Nhà văn đang viết tiểu thuyết không được ở 4 năm như trại viết Đà Nẵng, 3 năm như Trại viết Vân Hồ sau chiến tranh, thì cũng cần ít nhất 3 tháng để viết vỡ ra, rồi hoàn chỉnh sau. Có thể đầu tư cho một tác giả, một nhóm tác giả đi trại viết 3 - 6 tháng, thậm chí 1 năm. Dĩ nhiên là phải chọn tác giả đang viết sung sức, đã có đề cương, hoặc đang viết dở tiểu thuyết, được thẩm định và mời dự, thì mới hy vọng có tác phẩm hay được viết trong trại viết.

Trại sáng tác không nhất thiết cứ phải tập trung đông người cho có không khí, và gây cảm hứng. Bởi vì lao động văn học - nghệ thuật là lao động đơn độc, sáng tạo cá nhân. Càng có không gian riêng biệt thì vốn sống tích lũy đóng trong kho kiến thức, kinh nghiệm theo cảm xúc trào ra ào ạt. Năm 1996, tôi đi trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân Đội ở Nhà an dưỡng Quân khu 3, nhà văn Lê Lựu được phân công theo dõi, giúp đỡ các tác giả văn xuôi. Ông chỉ tay giữa cái phòng tôi đang ở cùng nhà văn Phùng Kim Trọng, bảo rằng: ông đã từng ở chính cái phòng này 4 tháng và viết xong tiểu thuyết "Thời xa vắng".

Cứ mỗi sáng, nhân viên nhà an dưỡng xách 1 phích nước nóng, một bát phở, hoặc bát mì tôm, hoặc đĩa bánh cuốn đặt vào phòng ông, ông dậy lúc nào thì ăn uống lúc đó. Trưa và tối, ông xuống nhà ăn dùng bữa. Thời gian viết là sáng, chiều và đêm. Tôi vô cùng ngạc nhiên, thời đầu những năm 1980 của thế kỉ trước, các tác giả đều viết tay, chứ đâu có viết bằng máy vi tính như bây giờ. Viết tay vất vả lắm, viết văn xuôi càng cơ cực. Vậy mà, chỉ trong vòng 4 tháng, ông Lê Lựu viết rồi sửa chữa, chép đi chép lại sạch sẽ mới đánh máy chữ mà xong hơn 400 trang tiểu thuyết thì không chỉ tài năng mà cần cả sức vóc của lực điền và độ lì lợm nữa. Tĩnh tâm hoàn toàn, quên hết mọi chuyện cơm áo gạo tiền, tất cả trước mắt chỉ là trang viết. Tôi cho rằng: Đó cũng là một cách đi trại sáng tác rất hiệu quả, một kinh nghiệm có thể áp dụng với những người ưa đơn độc.

Có những trại sáng tác tư nhân mở ra, cũng nên phải học tập kinh nghiệm. Chẳng hạn như Dự án Art In The Forest (Nghệ thuật ở rừng) của ông chủ Khu nghĩ dưỡng Flamingo Đại Lải tổ chức năm 2015. Họ chọn 15 nghệ sĩ cá tính đang giàu sức sáng tạo, âm thầm mời, và tổ chức cho các nhà điêu khắc sáng tạo. 6 tháng cho trăn trở, hình thành ý tưởng, còn 1 tháng tập trung tại không gian sáng tác để tạo ra tác phẩm. Ai đã từng đến đây thì biết các tác phẩm điêu khắc phù hợp hài hòa với không gian xanh thế nào rồi đấy.

Sáng tạo văn học - nghệ thuật chẳng ai giống ai, và cái cách sáng tạo càng không giống nhau mới đa dạng phong phú. Người thì đi trại sáng tác mới có tác phẩm hay, có người chẳng đi trại viết mà tác phẩm vẫn lớn. Nhà văn Ma văn Kháng là người từng tổ chức rất nhiều trại sáng tác cho đồng nghiệp, nhưng bản thân ông thì… chưa đi trại sáng tác bao giờ. Các tác phẩm quan trọng của ông như "Mùa lá rụng trong vườn", "Đồng bạc trắng hoa xòe", "Đám cưới không có giấy giá thú", hay truyện ngắn đoạt Giải Cây bút Vàng của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an lần thứ nhất cũng viết ở nhà, chưa bao giờ ông "thai nghén", "sinh đẻ" tác phẩm ở trại sáng tác.

Trại viết, nhà văn đi chơi hay sáng tác là lựa chọn ở mỗi tác giả. Nhưng, người làm công tác tổ chức thì nên mời đúng tác giả, và đã mời thì phải tạo điều kiện tốt nhất cho tác phẩm ra đời, chứ "đến hẹn lại lên", đến kỳ đi trại viết, thì vẫn lối làm cũ mòn, hiệu quả thấp, và vẫn cái vòng luẩn quẩn "điểm danh chia phần" đi trại sáng tác.

Sương Nguyệt Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/trai-viet-nha-van-di-choi-hay-sang-tac--i723595/