Trạm bơm 37 tỷ đồng ở Bình Định bỏ hoang, gây lãng phí
Trạm bơm Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định được đầu tư xây dựng hơn 37 tỷ đồng để tưới tiêu hơn 350 ha hoa màu các xã Mỹ Tài, Mỹ Chánh Tây nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi bỏ hoang.
Đầu tháng 4/2025, các cánh đồng trồng ớt ở thôn Kiên Phú, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ vào mùa thu hoạch. Nhiều nông dân phải tưới liên tục để cây ớt không bị khô. Ông Nguyễn Ngọc Cang (52 tuổi) ở thôn Kiên Phú, xã Mỹ Tài trồng 5 sào ớt, 4 sào cây hoa màu khác.
Thửa đất trồng ớt của gia đình ông Nguyễn Ngọc Cang chỉ cách trạm bơm Mỹ Tài chưa tới 1km nhưng ông phải kéo ống bơm nước từ suối Đồng Khẩm cách ruộng hơn 1km về tưới. Ông Nguyễn Ngọc Cang cho biết, trạm bơm Mỹ Tài xây dựng cách đây 7 năm. Khi thấy trạm bơm này xây dựng hoàn thành, người dân thôn Kiên Phú rất vui mừng, thế nhưng trạm bơm này hoạt động được thời gian rất ngắn lại bỏ hoang.
“Từ ngày trạm bơm được xây dựng hoàn thành đến nay đâu có tưới tiêu được gì và bỏ hoang tới nay. Họ làm kiểu này đường ống ở khu vực tiếp giáp đường ống của trạm bơm với đường ống vào ruộng của người dân bị hư hỏng hết. Lượng nước không đủ cho người dân tưới tiêu. Nếu trạm bơm hoạt động được bà con vùng đây họ cần nước tưới lắm, người dân khỏi đặt máy bơm. Tiếc lắm, mong muốn trạm bơm sớm hoạt động để người dân sản xuất hoa màu cho thuận lợi” - Ông Nguyễn Ngọc Cang nói.

Trạm bơm Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Trạm bơm Mỹ Tài thuộc công trình Hệ thống tưới nước tiết kiệm tại 2 xã Mỹ Tài, Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ. Công trình này thuộc dự án Thí điểm mô hình tăng trưởng xanh trong sản xuất cây thâm canh có múi, thí điểm đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm trên cây trồng cạn để ứng phó với tình hình nắng hạn tại tỉnh Bình Định. Công trình do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt dự án đầu tư, phục vụ tưới cho 350 ha đất nông nghiệp tại 2 xã Mỹ Tài và Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ với kinh phí đầu tư 37,1 tỷ đồng.
Công trình gồm các hạng mục: Trạm bơm lưu lượng thiết kế 0,25m3/s với 5 tổ máy; đường ống dẫn nước và phân phối nước tổng chiều dài 36,4km, kết cấu ống HDPE; nhà vận hành trạm bơm, nhà quản lý; hệ thống điện vận hành; đập dâng suối Nhài để dâng nước vào trạm bơm.
Công trình được bàn giao cho UBND huyện Phù Mỹ đưa vào sử dụng tháng 10/2020. UBND huyện Phù Mỹ giao UBND 2 xã Mỹ Tài và Mỹ Chánh Tây tiếp nhận quản lý; Đồng thời thành lập Ban Quản lý để vận hành khai thác công trình. Từ năm 2022 đến nay, trạm bơm Mỹ Tài dừng hoạt động, không cấp nước phục vụ sản xuất, trong khi nhu cầu sản xuất của nhân dân đang cần. Hiện tại, một số thiết bị công trình bị hư hỏng và thất lạc. Ngành Điện lực đã ngừng cung cấp điện cho công trình sau khi dừng hoạt động.

Do không được vận hành lâu ngày, trạm bơm Mỹ Tài xuống cấp.
Nguyên nhân công trình trạm bơm Mỹ Tài dừng hoạt động do đơn vị quản lý không đủ nguồn lực để quản lý, vận hành công trình. Vùng tưới hoàn toàn là cây hoa màu, kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi thấp dẫn đến nguồn thu tài chính từ cung cấp dịch vụ thủy lợi của công trình không đủ chi phí để quản lý, vận hành.

Khu vực bơm nước của trạm bơm Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Nhân sự của đơn vị vận hành trạm bơm Mỹ Tài thiếu chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật, không đáp ứng yêu cầu để quản lý mạng lưới hệ thống tưới phân phối rộng lớn và kỹ thuật vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị, công nghệ công trình hiện đại, dẫn đến hệ thống điện bị hư hỏng, thiết bị công trình thất lạc. Ngoài ra, hệ thống tưới và thiết bị tưới tiết kiệm đến khu vực canh tác cây trồng cạn của người dân vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ.
Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi sẽ lập lại đề án để tính toán lại diện tích tưới và khu tưới, hiện nay UBND huyện đã giao cho Ban quản lý dự án của huyện triển khai việc này. Trạm bơm tưới nước cho 350 héc ta của 2 xã nhưng thực địa không phải vậy. Diện tích sẽ thu hẹp lại, tính toán lại vùng, phân vùng, tổ chức lấy ý kiến của dân những vùng nào trồng cây gì để tính toán lại hệ thống tưới cho phù hợp hơn. Khi hệ thống hoàn thiện lại sẽ củng cố lại đội ngũ quản lý, điều hành”.

Người dân xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ vào vụ thu hoạch ớt.
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, để đảm bảo công trình trạm bơm Mỹ Tài được vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho nhân dân, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND huyện Phù Mỹ tổ chức bàn giao công trình Hệ thống tưới tiết kiệm xã Mỹ Tài, Mỹ Chánh Tây cho Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định quản lý vận hành.

Nhiều ông dẫn nước bị gỉ sắt.
UBND huyện Phù Mỹ khẩn trương tổ chức sửa chữa, bảo trì hệ thống điện động lực và thiết bị công trình hệ thống tưới tiết kiệm xã Mỹ Tài, Mỹ Chánh Tây đảm bảo hoạt động trở lại bình thường và bàn giao cho Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định trước ngày 15/5/2025 để bơm tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Định nói: “Trạm bơm Mỹ Tài khi UBND huyện Phù Mỹ tiếp nhận và giao về cho Hợp tác xã quản lý là điều không nên. Đây là trạm bơm có lưu lượng bơm lớn, phục vụ tốt. Sắp tới, chúng tôi sẽ mời huyện Phù Mỹ, chủ đầu tư, các bên có liên quan để bàn bạc tìm cách giải quyết hợp lý. UBND huyện Phù Mỹ và UBND xã Mỹ Tài phải tổ chức làm hệ thống tưới nội đồng để trạm bơm phát huy được”.

Khu vực sản xuất ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ
Tỉnh Bình Định hiện có 232 trạm bơm, trong đó, 182 trạm bơm xuống cấp, 50 trạm bơm được đánh giá là hoạt động bình thường. Trong số trạm bơm còn đang sử dụng, có 198 trạm bơm hoạt động hiệu quả, 34 trạm bơm có thiết bị cũ tiêu tốn điện năng nhiều.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Định, các trạm bơm do Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định cơ bản hoạt động tốt, công trình ít hư hỏng. Các trạm bơm do cấp huyện quản lý chưa tốt, phần nhiều xuống cấp, trong đó có nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống máy móc, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, hư hỏng, thay thế không đồng bộ; các động cơ và máy bơm quá cũ nên thường xuyên bị hư hỏng.