Trầm cảm, đột quỵ vì rối loạn giấc ngủ
Chứng rối loạn giấc ngủ ngày càng phổ biến, nếu không can thiệp kịp thời, sẽ dẫn tới suy nhược cơ thể, tâm lý căng thẳng, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đau đầu, trầm cảm, đột quỵ...
Mệt mỏi, dễ nổi cáu vì khó ngủ
Chị Trần Hương Thảo (Hà Nội) đến khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) vì bị mất ngủ 3 tháng liên tiếp, khiến tinh thần mệt mỏi, dễ cáu gắt, ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ xã hội.

Trước đây, rối loạn giấc ngủ thường hay gặp ở độ tuổi ngoài 50 nhưng nay nhiều người trẻ cũng mắc (ảnh minh họa).
Chị cho hay: "Một năm gần đây, tôi ngủ ít và khó đi vào giấc ngủ. Mỗi ngày ngủ 5 tiếng, gần đây thì ít hơn hẳn, giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc".
Thời gian mất ngủ kéo dài khiến chị luôn thấy căng thẳng, mệt mỏi và sụt cân. Trước khi tới Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia khám, chị khám tại phòng khám, được tư vấn dùng thêm thảo dược nhưng hiệu quả không rõ ràng.
Tại bệnh viện, chị Thảo được chẩn đoán mắc hội chứng mất ngủ, biểu hiện điển hình khó vào giấc, giấc ngủ không sâu, thức giấc sớm và không ngủ lại được. Chị được chỉ định điều trị bằng thuốc đặc hiệu, kết hợp liệu pháp thư giãn, luyện tập, trị liệu tâm lý.
Tương tự, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Hòa (19 tuổi, Hà Nội) cũng bị mất ngủ triền miên. Thói quen thức khuya học từ cấp 3 đến nay không đổi. Không học thì lướt facebook hay chơi game thâu đêm, Hòa ngủ vào 3-4h sáng. Nhịp sống đảo ngược "ngủ ngày, cày đêm" khiến chàng trai dần mất động lực học, thậm chí không giao lưu bạn bè, người thân.
Được mẹ đưa đến khám tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), bác sĩ cho hay, Hòa bị rối loạn giấc ngủ, có biểu hiện nhẹ của trầm cảm, cần dùng thuốc kết hợp trị liệu tâm lý.
Bệnh nhân ngày càng trẻ hóa
Đáng nói, trước kia rối loạn giấc ngủ thường hay gặp ở độ tuổi ngoài 50, nay phổ biến ở người trẻ. BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho hay, "ngủ ngày, cày đêm" là hiện tượng đảo ngược nhịp sống sinh học.
Những người này khó ngủ giờ bình thường (sau 23h); cảm thấy chán nản, mất động lực, trì hoãn công việc; lệ thuộc vào cà phê, đồ ngọt hoặc chất kích thích để tỉnh táo ban ngày... Dù nhiều người ngủ đủ giờ (8-10 tiếng) vẫn mệt mỏi, uể oải.
Theo BS Đoàn Thị Huệ, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, rối loạn giấc ngủ thường xảy ra cùng các tình trạng bệnh thể chất và sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn nhận thức. Nếu không được điều trị sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần.
Theo BS Huệ, rối loạn giấc ngủ là tình trạng rối loạn liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ khiến người bệnh bị mệt mỏi vào ban ngày, suy giảm chức năng học tập, làm việc và xã hội.
Đáng lo ngại là tình trạng rối loạn giấc ngủ đồng bệnh lý với rối loạn tâm thần, 35% bệnh nhân rối loạn mất ngủ có một rối loạn tâm thần và khoảng 50% trong số đó là rối loạn cảm xúc.
Nhiều hệ lụy nếu không điều trị sớm
Theo khảo sát online của Viện Sức khỏe Tâm thần, năm 2023, có 64% thanh thiếu niên và người trẻ thừa nhận thường xuyên ngủ sau 1h sáng; 32% ngủ sau 3h sáng ít nhất 3 ngày/tuần. Hơn 70% cho biết, từng cảm thấy mất năng lượng, mệt mỏi và không tập trung sau thời gian dài "cày đêm".
BS Hồng cảnh báo, đừng đợi sức khỏe xuống dốc hay tinh thần suy sụp mới bắt đầu thay đổi. Các bạn trẻ cần chủ động thay đổi thói quen xấu, hạn chế dùng thiết bị điện tử ít nhất 1 tiếng trước giờ ngủ.
Đồng thời tăng tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên vào buổi sáng để cơ thể tự điều chỉnh đồng hồ sinh học, đặt giờ đi ngủ và thức dậy cố định mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, kết hợp thể dục, tránh sử dụng chất kích thích…
"Khi có các biểu hiện như khó vào giấc, ngủ không sâu, hay tỉnh giấc, thức dậy sớm và không ngủ lại được… kéo dài, không cải thiện, cần khám và điều trị kịp thời, tránh hệ lụy đáng tiếc", BS Huệ khuyến cáo.
Theo các bác sĩ, có nhiều rối loạn giấc ngủ khác nhau, trong đó mất ngủ là phổ biến. Các nghiên cứu cho thấy, những năm gần đây, khoảng 80% bệnh nhân đến khám được phát hiện rối loạn giấc ngủ liên quan tới căng thẳng trong cuộc sống như mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ, ác mộng. Trong đó, 5 - 6,7% mất ngủ nặng có trầm cảm, lo âu.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tram-cam-dot-quy-vi-roi-loan-giac-ngu-192250416092659425.htm