Trầm cảm ở tuổi 76

Khó ngủ, nhiều đêm thức trắng, cụ bà uống nhiều loại thuốc ngủ dẫn đến mệt mỏi, đi khám được bác sĩ phát hiện bị trầm cảm nặng.

Sẵn các bệnh nền cường giáp, tăng huyết áp, tiểu đường, gần đây, cụ bà 76 tuổi, ở Hà Nội thêm chứng khó tập trung, suy nghĩ tiêu cực, giảm hứng thú với những thói quen trước kia như tập dưỡng sinh, xem phim.

Lâu dần bà sống thu mình, không muốn giao du tiếp xúc với mọi người xung quanh, liên tục mất ngủ. Bà mua thuốc ngủ về uống nhưng không cải thiện thậm chí còn mệt hơn. Con cháu thấy bà bất thường nên đưa đến bệnh viện khám.

Theo ThS.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E, lúc mới đến khám, cụ bà liên tục đi lại, bồn chồn, khó chịu, bác sĩ phải rất kiên nhẫn động viên bệnh nhân yên tâm thăm khám. Kết quả kiểm tra sức khỏe cho thấy cụ bà bị trầm cảm, rối loạn lo âu.

“Trước đó bệnh nhân uống rất nhiều loại thuốc ngủ trôi nổi trên thị trường dẫn đến khó khăn cho điều trị sau này”, bác sĩ Chung nói. Sau thời gian điều trị nội trú, bệnh nhân khí sắc khá hơn, vận động nhanh nhẹn, đỡ than phiền mệt mỏi, ngủ được. Bà ổn định sức khỏe nên được ra viện, tiếp tục theo dõi điều trị ngoại trú.

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến ở người cao tuổi. (Ảnh minh họa)

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến ở người cao tuổi. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Chung cho hay, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến ở người cao tuổi. Trầm cảm ở người cao tuổi thường là đợt trầm cảm tái diễn của bệnh lý cảm xúc khởi phát từ trước (gọi là trầm cảm khởi phát sớm), hoặc khởi phát sau tuổi 65 (trầm cảm khởi phát muộn). Theo các nghiên cứu dịch tễ trên thế giới, khoảng 1-4% người cao tuổi trong cộng đồng bị trầm cảm. Tỷ lệ trầm cảm ở nữ cao hơn nam.

Có hai yếu tố nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi. Trong đó, yếu tố sinh học như giới, tiền sử trầm cảm, bệnh lý thực thể kèm theo đau đầu mạn tính, mất ngủ. Ngoài ra còn có yếu tố tâm lý - xã hội như độc thân, ly hôn, mất mát người thân, sống cô lập, thiếu sự chăm sóc.

Trầm cảm ở người cao tuổi còn liên quan đến nhiều bệnh lý như rối loạn chuyển hóa, ung thư, bệnh lý mạch máu, bệnh lý tự miễn, bệnh lý tâm thần (suy giảm nhận thức, rối loạn vận động). "Trầm cảm ở người cao tuổi là bệnh lý phổ biến, có những đặc điểm lâm sàng và cơ chế riêng biệt", bác sĩ Chung nói.

Nhiều triệu chứng của bệnh khá giống với những bệnh lý tuổi già khác nên dễ bị bỏ qua. Triệu chứng trầm cảm ít khi được nhận biết ở người cao tuổi là khí sắc trầm và giảm quan tâm thích thú, buồn rầu và vô cảm.

Những triệu chứng mờ nhạt khác như đau, mệt mỏi, chóng mặt, nặng chân, khó thở, đau ngực. Nặng hơn, bệnh nhân thường hoang tưởng bị tội, luôn nói mình có lỗi, là gánh nặng, nghiêm trọng hơn thì có ý tưởng hay hành vi tự sát.

Một số triệu chứng nghiêm trọng khác như thu rút khỏi xã hội, không tuân thủ điều trị, kém chăm sóc bản thân, lạm dụng rượu và các chất an dịu, gây ngủ.

Theo tiêu chuẩn đánh giá bệnh lý trầm cảm, người có những biểu hiện trên liên tục hai tuần, kéo dài trong ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hoạt động, cần được điều trị. Khi ấy, quá trình điều trị giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng, tái hòa nhập xã hội, phòng ngừa tái phát.

Để điều trị, cần phối hợp các phương pháp như hóa dược, liệu pháp tâm lý và điều biến não. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh trầm cảm ở người cao tuổi. Gia đình nên ở bên cạnh thường xuyên, chăm sóc và động viên, không để họ có cảm giác bị bỏ rơi hay cô đơn.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tram-cam-o-tuoi-76-ar892775.html