Trầm cảm tuổi teen: Khi nỗi đau cần được lắng nghe
Những lời nói và hành động của cha mẹ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý con cái - một lời động viên có thể là điểm tựa, trong khi những áp lực không cần thiết có thể khiến trẻ thu mình hơn. Thay vì trách móc, hãy lắng nghe, chia sẻ và đồng hành, để con biết rằng mình không đơn độc trên hành trình này.
Một ngày cuối năm 2023, một phụ huynh liên hệ với tôi qua Facebook, băn khoăn về việc con chị đang có vấn đề tâm lý, nghi trầm cảm nhưng không chịu đi khám nên chị không biết phải làm sao. Chị kể rằng con chị, một bé gái 16 tuổi, trước đây là một đứa trẻ hoạt bát, dạo gần đây lại trở nên lầm lì, ít nói, không muốn giao tiếp với ai. Mỗi khi chị gặng hỏi, con bé chỉ im lặng hoặc trả lời cho qua chuyện. Chị lo lắng nhưng không biết nên tiếp cận con như thế nào để con mở lòng.

Người mắc trầm cảm thường cảm thấy buồn bã, lo âu kéo dài, mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích, dễ cáu kỉnh hoặc bồn chồn vô cớ - Ảnh minh họa: AI
Tôi gợi ý chị giới thiệu cho con một vài trang web hoặc tài liệu nói về vấn đề trầm cảm để con xem trước. Tôi giải thích rằng khi trẻ vị thành niên có cơ hội tự tìm hiểu về tình trạng của mình, các em sẽ cảm thấy bớt bị ép buộc hơn và dễ dàng chấp nhận sự giúp đỡ từ người lớn. Sau khi con đã đọc qua tài liệu, chị có thể nhẹ nhàng hỏi con cảm thấy thế nào, có nhận ra mình có những dấu hiệu tương tự như thế không và có muốn gặp một chuyên gia nào đó để trò chuyện hay không. Tôi nhấn mạnh rằng điều quan trọng là để con có quyền tự quyết định thay vì bị bắt ép.
Ba tuần sau, chị nhắn tin lại, nói rằng con gái chị đã đồng ý gặp bác sĩ nhưng chỉ muốn được trao đổi online. Tôi nhận lời và chúng tôi sắp xếp một buổi hẹn trực tuyến để bắt đầu quá trình đánh giá và điều trị.
Lời người mẹ
Tôi nhớ khoảng thời gian đầu khi con bắt đầu có những biểu hiện khác lạ. Ban đầu, tôi nghĩ rằng con bé đang chống đối, vì nó suốt ngày lầm lì, không chịu trò chuyện với ai. Những bữa cơm gia đình trở nên nặng nề khi con không còn hồ hởi kể về những chuyện xảy ra ở trường như trước nữa. Tôi giận lắm, đã nhiều lần trách mắng: “Mày càng lớn càng bướng bỉnh, không chịu nghe lời ai cả!”. Nhưng càng la, con càng thu mình lại. Tôi thấy con ít ra khỏi phòng, hay ngồi thẫn thờ một mình, chẳng thiết tha chuyện gì.
Một hôm, trong lúc dọn dẹp bàn học của con, tôi bắt gặp một cuốn sổ nhỏ. Khi lật từng trang giấy, tôi như chết lặng khi đọc thấy dòng chữ: “Nếu con chết đi chắc mọi người sẽ đỡ phiền hơn”. Tim tôi như thắt lại, bàn tay run rẩy. Cả người tôi lạnh toát khi nhận ra con gái mình đang thực sự đau khổ đến mức nào. Nước mắt tôi tuôn rơi, tôi hối hận vì những lời nặng nề mình đã từng nói. Tôi chưa từng nghĩ rằng áp lực mình tạo ra có thể khiến con trở nên như vậy.
Lời của Lê
Con không biết mình đã bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng từ khi nào. Có lẽ là từ ngày đầu tiên con nhận điểm thấp trong bài kiểm tra toán và mẹ con đã la mắng con thậm tệ. “Mày đúng là đồ vô dụng, đồ ngu!” - những lời đó cứ vang lên trong đầu con, từng ngày, từng giờ. Con không còn dám nói chuyện với ba mẹ nữa, vì con biết, dù con có cố gắng giải thích thế nào, họ cũng chỉ nhìn thấy con là một đứa trẻ thất bại. Bạn bè rủ con đi chơi, con viện đủ lý do để từ chối. Con không còn hứng thú với bất cứ điều gì, mọi thứ trở nên vô nghĩa. Mỗi tối, con nằm trong bóng tối, nước mắt chảy dài, nhưng chẳng ai hay biết. Con cảm thấy mình bị mắc kẹt, không lối thoát. Rồi con bắt đầu nghĩ đến cái chết. Nếu con biến mất, có lẽ mọi người sẽ bớt phiền toái hơn. Con sẽ không còn là gánh nặng, không còn khiến ba mẹ thất vọng nữa.
Người mắc trầm cảm thường cảm thấy buồn bã, lo âu kéo dài, mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích, dễ cáu kỉnh hoặc bồn chồn vô cớ. Giấc ngủ bị rối loạn - mất ngủ, ngủ quá nhiều hoặc thức giấc sớm - cùng với sự thay đổi khẩu vị, ăn quá ít hoặc quá nhiều. Họ có thể gặp tình trạng đau đầu, đau bụng dai dẳng không rõ nguyên nhân, luôn cảm thấy mệt mỏi dù đã nghỉ ngơi.
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người bệnh. Cứ 100 người thì có khoảng 10-15 người mắc trầm cảm trong đời. Ở tuổi vị thành niên, tỷ lệ này cũng khá cao, đặc biệt là ở nữ giới.
Người mắc trầm cảm thường cảm thấy buồn bã, lo âu kéo dài, mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích, dễ cáu kỉnh hoặc bồn chồn vô cớ. Giấc ngủ bị rối loạn - mất ngủ, ngủ quá nhiều hoặc thức giấc sớm - cùng với sự thay đổi khẩu vị, ăn quá ít hoặc quá nhiều.
Họ có thể gặp tình trạng đau đầu, đau bụng dai dẳng không rõ nguyên nhân, luôn cảm thấy mệt mỏi dù đã nghỉ ngơi. Trầm cảm cũng làm ảnh hưởng đến khả năng tập trung, ghi nhớ, đưa ra quyết định và thường đi kèm cảm giác tội lỗi, vô dụng, thậm chí suy nghĩ về cái chết hoặc tự làm hại bản thân.
Tôi nhận thấy Lê có đầy đủ triệu chứng trầm cảm nhưng chưa từng có hành vi tự tử. Ý nghĩ muốn chết trong em chỉ mới xuất hiện mà chưa có kế hoạch cụ thể. Hướng điều trị được đề ra bao gồm sử dụng thuốc với liều thấp để giảm các triệu chứng, kết hợp với theo dõi sát sao từ gia đình. Ba mẹ được khuyên nên trò chuyện với con nhiều hơn, hạn chế trách mắng và thay vào đó là sự động viên, hỗ trợ. Quan trọng hơn cả, Lê cần một chế độ sinh hoạt điều độ, giúp em dần lấy lại động lực trong cuộc sống. Một lịch trình được đề ra, trong đó có các hoạt động như tập yoga, chơi cầu lông định kỳ và tham gia những hoạt động có tính tương tác xã hội.
Sau mười tháng điều trị, Lê vẫn duy trì việc dùng thuốc và tuân thủ lịch trình sinh hoạt. Các triệu chứng trầm cảm đã giảm rõ rệt, em ít thu mình hơn, bắt đầu cởi mở hơn với gia đình và bạn bè. Em không còn ý tưởng muốn chết hơn sáu tháng nay. Việc duy trì những hoạt động tích cực như tập yoga và chơi cầu lông đã giúp em có một cuộc sống cân bằng hơn. Mẹ của Lê chia sẻ rằng chị đã học được cách kiên nhẫn hơn với con gái, không còn trách mắng em như trước. Nhìn thấy con mình vui vẻ, cười nói trở lại là niềm hạnh phúc mà chị chưa từng nghĩ tới.
Trầm cảm ở tuổi vị thành niên là một thách thức lớn, nhưng không phải là không thể vượt qua. Với sự thấu hiểu, quan tâm từ gia đình và một phương pháp điều trị phù hợp, trẻ có thể dần tìm lại cân bằng trong cuộc sống. Những lời nói và hành động của cha mẹ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý con cái - một lời động viên có thể là điểm tựa, trong khi những áp lực không cần thiết có thể khiến trẻ thu mình hơn. Thay vì trách móc, hãy lắng nghe, chia sẻ và đồng hành, để con biết rằng mình không đơn độc trên hành trình này.
Tài liệu tham khảo
Kessler RC, Berglund P, Demler O, Jin R, Merikangas KR, Walters EE. Lifetime Prevalence and Age-of-Onset Distributions of DSM-IV Disorders in the National Comorbidity Survey Replication. Archives of General Psychiatry 2005;62(6):593-602
American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition. Arlington, VA: American Psychiatric Publishing, 2013
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tram-cam-tuoi-teen-khi-noi-dau-can-duoc-lang-nghe/