Trạm cứu hộ chó mèo đặc biệt ở Gia Lai
Bằng tất cả sự yêu thương, Biệt đội cứu hộ chó, mèo Gia Lai từng ngày chăm sóc, chữa lành cả những vết thương ngoài da lẫn trái tim những 'người bạn bốn chân'.
Nằm trên đường Lê Thánh Tôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có một nơi được gọi là mái ấm cho những “người bạn bốn chân”. Tại đây lúc nào cũng có người túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng cứu trợ chó, mèo trong những trường hợp khẩn cấp. Đến với Trạm, mỗi chú chó, chú mèo đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Song, bằng tất cả sự yêu thương, các thành viên trong Trạm vẫn cố gắng từng ngày chăm sóc, chữa lành cả những vết thương ngoài da lẫn trái tim của chúng.
Ngôi nhà của những “người bạn bốn chân”
Vuốt nhẹ lên người chú chó vừa được Trạm cứu cách đây hơn một tháng, chị Nguyễn Thái My - Trưởng nhóm Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai chậm rãi kể về quá trình gắn bó với trạm cứu hộ này.
Chị My cho biết, Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai ra đời từ tháng 9/2024 với số lượng 5 thành viên. Thành viên trong nhóm làm nhiều công việc, tới từ những nơi khác nhau song đều có chung tình yêu thương và muốn bảo vệ chó, mèo.
“Các thành viên trong nhóm mình chủ yếu sống trên địa bàn TP. Pleiku. Dù mỗi người một công việc song bất kể thời điểm nào nếu nhận được thông tin chó, mèo bị bỏ rơi thì mọi người chia nhau đi ứng cứu. Sau khi cứu nhóm sẽ đưa liền về phòng khám thú y để kiểm tra tình hình sức khỏe, điều trị nếu bị thương rồi mới đưa về trạm” - chị My nói.
Chị My thổ lộ rằng, để làm việc tốt không hề dễ. Đã có những lúc nhóm bị xua đuổi, cũng có ý kiến đồn thổi nhóm cứu hộ chó, mèo về đem đi bán nhưng xuất phát từ cái tâm và biết đang làm đúng nên mọi người bước qua nỗi buồn để tiếp tục duy trì hoạt động.
“Thực ra mình nghĩ dù là công việc gì thì cũng có người khen, người chê và làm sao tránh khỏi được những phán xét của mọi người. Tuy nhiên, tụi mình cứu hộ chó, mèo là bằng cái tâm nên dần dà mọi người xung quanh cũng hiểu và ủng hộ công việc mà tụi mình đang làm” - chị My tâm sự.
Có tình yêu đặc biệt với chó, mèo, anh Tào Quang Thông (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là người nhớ rõ nhất từng đặc điểm của mỗi con vật mà mình đã cứu về. Những chú chó, mèo được giải cứu ở đâu, hoàn cảnh như thế nào, màu gì và trên người có bao nhiêu vết thương, anh Thông đều nhớ.
Anh Thông chia sẻ, khi được cứu hộ về trạm, từng con vật đều được đặt một cái tên riêng để dễ phân biệt. “Gắn bó với chó, mèo phải thật sự kiên trì, nhẫn nại và đủ yêu thương thì mới có thể theo công việc này. Và trong thời gian chăm sóc chúng cũng không tránh phải trường hợp bị cắn. Tôi đã trải qua hơn 10 lần tiêm mũi phòng dại bởi những vết cắn trên khắp cánh tay. Ngoài ra, chó rất nhạy cảm, nhiều khi từ sợ hãi, chúng trở nên hung dữ. Do vậy, cần nhiều thời gian để làm quen, tiếp cận thì chúng mới dần trở nên thân thiện, gần gũi với mình” - anh Thông bộc bạch.
Nỗi lo kinh phí, nguồn thức ăn
Số tiền dành để duy trì việc cứu trợ, chăm sóc chó, mèo không phải là con số nhỏ khi ngày càng có nhiều chú chó, mèo được đưa về trạm. Theo các thành viên của trạm, hiện nay, vấn đề lớn nhất là kinh phí để duy trì hoạt động rất bấp bênh. Hàng tháng, một số thành viên có điều kiện phải bỏ tiền túi ra bù đắp.
Mỗi tháng, gần 50 chú chó, mèo đang được chăm sóc tại đây đã tiêu tốn hơn 5 triệu đồng tiền thức ăn. Cùng với đó, chi phí cứu hộ, chữa bệnh cho 1 con chó, mèo thì mất khoảng vài trăm ngàn đồng nhưng cũng có khi lên đến vài triệu đồng. Nào là chi phí thuốc men chữa trị, chích ngừa, tiêm phòng, chi phí xổ giun, rồi tiền ăn, tiền điện, hỗ trợ công chăm sóc.
Chị My cho biết, Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai mới thành lập hơn 3 tháng, chuồng trại chưa có, chủ yếu là lưới quây còn sơ sài. Phần lớn kinh phí được huy động từ những người yêu động vật hỗ trợ hoặc một số thành viên bỏ tiền túi nên khâu chăm sóc còn nhiều khó khăn.
“Số lượng chó, mèo bị bỏ rơi và gặp nguy hiểm ngày càng tăng, trong khi trạm thiếu khu cứu hộ chuyên biệt để chăm sóc và bảo vệ. Rất nhiều chó, mèo lang thang vẫn đang cần sự giúp đỡ nên trạm đã kêu gọi hỗ trợ kinh phí để xây dựng, nâng cấp nơi ở, chăm sóc y tế và tạo cơ hội tìm kiếm gia đình mới” - chị My chia sẻ thêm.
Được biết, hiện các thành viên của trạm đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống chuồng trại trên diện tích 130 m2, gồm 20 chuồng có sức chứa trên 50 con. Vì không có nhiều kinh phí nên các thành viên trong trạm tự tay đi tìm kiếm, mua vật liệu, tự thiết kế cho đến thi công để nhằm tiết kiệm nhất chi phí phát sinh.
“Mong muốn lớn nhất của tụi mình là những chú chó, mèo ở đây sẽ có một nơi ở sạch sẽ, có không gian vui chơi và chúng sẽ cảm thấy được quan tâm, yêu thương. Tụi mình cũng hy vọng rằng ngày càng có nhiều người đồng hành, lan tỏa hoạt động nhân văn này” - chị My chia sẻ.
Dù công việc cứu hộ chó mèo có nhiều khó khăn và vất vả song sau chưa bao giờ, chị My, anh Thông hay các thành viên của trạm có ý nghĩ từ bỏ hay dừng hoạt động trạm cứu hộ. Ai trong số họ cũng hiểu rằng nếu không có trạm cứu hộ thì những chú chó, mèo sẽ lại bị bỏ rơi như cách chúng đã từng bị đối xử. Khi đó, những chú chó, mèo thân yêu sẽ lại bơ vơ và rồi ai sẽ là người chăm sóc cho những ngày kéo dài kế tiếp.
Vừa dứt lời, chị My và các cộng sự lại nhận được một cuộc điện thoại báo có chú chó cần cứu trợ gấp. Ngay lập tức, các thành viên trong nhóm không ai bảo ai, đứng dậy chuẩn bị vật dụng rồi lên đường. Họ lại đi, tiếp tục hành trình thực hiện sứ mệnh giữ lấy mạng sống cho những “người bạn bốn chân”.
Trạm cứu hộ chó, mèo (đường Lê Thánh Tôn, phường Ia Kring, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) ra đời từ tháng 9/2024 với 5 thành viên, do chị Nguyễn Thái My làm trưởng nhóm. Thành viên trong nhóm làm nhiều công việc, tới từ những nơi khác nhau song đều có chung tình yêu thương và muốn bảo vệ chó, mèo.
Chia sẻ về dự định sắp tới, chị My cho biết, nhóm có thể sẽ mở rộng quy mô để cưu mang được nhiều hơn chó mèo bị bỏ rơi, thương tật. Gần hơn, nhóm sẽ thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc thú cưng hoặc cách phòng tránh bệnh cho động vật nuôi.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tram-cuu-ho-cho-meo-dac-biet-o-gia-lai-367180.html