Trạm ISS điều chỉnh quỹ đạo khẩn cấp để tránh rác không gian

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, các chuyên gia vận hành Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) đã phải điều chỉnh quỹ đạo khẩn cấp để tránh một mảnh rác không gian bay sượt qua hôm 22.9.

Một vật thể nhỏ cũng có thể làm hỏng tấm pin Mặt trời hoặc các bộ phận khác của trạm ISS - Ảnh: NASA

Một vật thể nhỏ cũng có thể làm hỏng tấm pin Mặt trời hoặc các bộ phận khác của trạm ISS - Ảnh: NASA

Tình huống nghiêm trọng đến mức các thành viên phi hành đoàn Expedition 63 được yêu cầu chuyển vào khoang gần tàu vũ trụ Soyuz để có thể thoát hiểm trong trường hợp xảy ra va chạm. Tuy nhiên, NASA xác nhận phi hành đoàn không gặp nguy hiểm sau vụ việc.

Các chuyên viên kiểm soát bay của NASA và Nga đã phối hợp tiến hành thao tác để điều chỉnh khẩn cấp quỹ đạo của ISS. Theo NASA, thao tác này giúp trạm vũ trụ tránh khỏi đường bay dự đoán của mảnh rác, ước tính bay cách ISS 1,39 km. NASA không tiết lộ kích thước mảnh rác vũ trụ.

Sau khi hoàn tất các thao tác, phi hành gia NASA Chris Cassidy cùng 2 phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) Ivan Vagner và Anatoly Ivanishin tiếp tục hoạt động bình thường trên ISS.

Trạm vũ trụ ISS quay quanh Trái đất ở tốc độ khoảng 27.568 km/h, tương đương với 15,79 lần bay quanh Trái đất mỗi ngày. Với tốc độ như vậy, ngay cả một vật thể nhỏ cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng nếu va trúng trạm.

Chính vì thế, các phi hành gia trên trạm ISS đã diễn tập trú ẩn thường xuyên để có thể ứng phó nhanh trước các tình huống nguy cấp xảy ra. Theo NASA, 25 cuộc diễn tập đã được thực hiện từ năm 1999 đến năm 2018.

NASA ước tính hiện nay có hàng chục triệu mảnh rác vũ trụ quay quanh Trái đất - Ảnh: iStockphoto

Bạn có thể không nhìn thấy rác không gian khi nhìn lên bầu trời đêm, nhưng hiện tại có rất nhiều mảnh vụn bay quanh Trái đất. Các mảnh của vệ tinh không còn tồn tại, các tầng tên lửa bị loại bỏ và các mảnh vỡ nhân tạo khác đang bao quanh hành tinh của chúng ta như một bong bóng rác khổng lồ. NASA ước tính hiện nay có hàng chục triệu mảnh rác vũ trụ quay quanh Trái đất.

Rác vũ trụ cũng có thể gây hại cho các vệ tinh đang hoạt động cũng như các sứ mệnh của các phi hành đoàn, thậm chí cả những nguy hiểm mà chúng gây ra cho trạm vũ trụ ISS. Hàng năm, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) xử lý hàng nghìn cảnh báo va chạm cho mỗi vệ tinh của mình và thực hiện hàng chục lần điều chỉnh quỹ đạo để tránh rác không gian.

Theo các nhà khoa học, việc theo dõi vị trí của rác không gian sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn khi chúng ta tiếp tục khám phá hệ Mặt trời với các tàu thăm dò và các sứ mệnh có người lái. Với số lượng rác vũ trụ ngày càng tăng, khả năng điều hướng các thiết bị sẽ ngày càng khó khăn hơn. Giới nghiên cứu đang xem xét cách dọn dẹp rác ở quỹ đạo thấp của Trái đất bằng nhiều công nghệ khác nhau.

Long Hải (theo The Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-180/tram-iss-dieu-chinh-quy-dao-khan-cap-de-tranh-rac-khong-gian-144477.html